Mời cha mẹ xem nhật trình của Dự Án Học Tập Thực Tế do chính Nhóm học sinh THCS Maya ở Xưởng Thủ công Mỡ đã tự ghi chép trong quá trình thực hiện dự án: link
Với chủ đề Dự Án Học Tập Thực Tế của năm học này là Thúc Đẩy Nhận Thức Xã Hội Về Văn Hóa Địa Phương & Hỗ Trợ Phát Triển Kinh tế Địa Phương,
các bạn học sinh THCS Maya ở Xưởng Thủ Công Mỡ kỳ này có thật nhiều những kì vọng, bởi lẽ:
– Trong nhóm có những bạn đã chuyển đến Thạch Thất sinh sống được một vài năm. Các bạn có cơ hội được chung sống và lớn lên với những người dân địa phương, quan sát những thói quen về cách ăn mặc, trang phục, thói quen văn hóa. Ngay từ đầu Dự Án Học Tập Thực Tế này, các bạn đã rất vui về cơ hội được đóng góp một phần tích cực nào đó cho cộng đồng nơi mà các bạn đang học tập, sinh sống.
– Trong nhóm cũng có bạn đã có thời gian dài làm Dự Án Học Tập Thực Tế tại Xưởng Thủ Công Mỡ, có những hiểu biết nhất định về kĩ thuật của xưởng, và rất sẵn sàng để ứng dụng những hiểu biết của mình cho chủ đề mới mẻ này.
GIAI ĐOẠN I: THIẾT LẬP MỤC TIÊU
Để bắt đầu triển khai Dự Án Học Tập Thực Tế này, các bạn học sinh THCS Maya ở Xưởng Thủ Công Mỡ đã bắt đầu tìm hiểu về các thông tin liên quan tới sản phẩm đồ vải ở địa phương Thạch Thất thông qua quy trình Nghiên cứu thứ cấp – Nghiên cứu các thông tin có sẵn từ sách báo, internet,…
Sau quá trình nghiên cứu tại bàn này, các bạn đưa ra một số kết luận:
– Địa phương Thạch Thất có đa dạng các dân tộc, tuy nhiên dân tộc Mường chiếm đa số;
– Về các thông tin về lĩnh vực đồ vải của người Mường tại địa phương (về trang phục, hoa văn trên trang phục) có nhưng không cụ thể.
Nghiên cứu sơ cấp lần 1
Với kết luận này, các bạn quyết định triển khai nghiên cứu theo phương thức khác – Nghiên cứu sơ cấp: Phỏng vấn những người Mường sinh sống tại địa phương Thạch Thất về hiện trạng hiện nay của những sản phẩm vải của họ
(Cha mẹ có thể xem Bảng câu hỏi phỏng vấn mà các bạn đã lập cho giai đoạn này tại: link)
Sau đây là những thông tin mà các bạn đã thu thập được:
– Trang phục truyền thống của người Mường: các trang phục truyền thống của người Mường hiện nay đã được cách tân sao cho dễ mặc, dễ dùng. Trang phục truyền thống hiện nay chủ yếu được may máy hàng loạt chứ không làm thủ công, vải trước đây được dệt thủ công giờ đây đã được thay bằng vải công nghiệp.
– Nghề dệt của người Mường: giờ đã không còn dệt thủ công tại địa phương Thạch Thất, chủ yếu gốc từ người Mường Hòa Bình.
– Sản phẩm Gối truyền thống của người Mường – gối mặt huyệt: đây là sản phẩm đặc biệt chỉ có người Mường có, gối mặt huyệt còn có tên là gối 9 mặt bởi mỗi mặt bên của gối được khâu và xếp tầng với 9 mặt khác nhau. Gối mặt huyệt gắn liền với văn hóa cưới hỏi của người Mường. Hiện nay chỉ còn một số người cao tuổi tại địa phương biết cách làm (đã xin được thông tin liên lạc của bà).
[Câu chuyện] Kinh nghiệm từ lần đầu thực hiện phỏng vấn
Nghiên cứu thị trường, đặc biệt là phương pháp phỏng vấn sâu là một nội dung quan trọng nhưng cũng còn rất mới với những bạn học sinh lớp 6 thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế.
Để bắt đầu hoạt động này các bạn đã:
– Ôn tập lại cách phân loại, các phương pháp nghiên cứu sơ cấp đã được học trong khóa học đầu năm;
– Thiết lập mục tiêu nghiên cứu và lập kế hoạch phỏng vấn;
– Nghiên cứu về các loại câu hỏi và thiết lập bảng hỏi;
– Diễn tập phỏng vấn thử.
Một quá trình chuẩn bị rất cẩn thận cho lần đầu thực hiện phỏng vấn của mình. Tuy vậy, lần đầu vẫn không tránh khỏi những bối rối, mỗi bạn lại có những chia sẻ và rút kinh nghiệm khác nhau:
– Một bạn sinh sống tại Thạch Thất đã cực kì hào hứng với hoạt động này bởi đây sẽ là lợi thế để bạn phỏng vấn nhiều người hơn và có thể thu được nhiều thông tin hơn. Tuy vậy, với 5 phiếu kết quả phỏng vấn trên tay, bạn đã phải công nhận rằng kết quả của mình “y hệt nhau là không có gì” bởi bạn đã lãng phí thời gian để phỏng vấn những người anh em ruột, sinh ra và lớn lên cùng nhau. Bài học về việc nên lựa chọn đối tượng phỏng vấn như thế nào để thu lại kết quả đa dạng, chính bạn ấy đã tự chia sẻ với những bạn khác trong nhóm.
– Một bạn học sinh khác lại để rất nhiều phiếu trắng. Lý do bạn đưa ra là bởi khi con đặt một câu hỏi, người được phỏng vấn lại nói rất nhiều ý tương ứng với rất nhiều câu hỏi khác nhau của con, khiến con chẳng biết viết như thế nào. Và đây trở thành một cơ hội tốt để các bạn khác góp ý về cách hỏi cũng những cách dẫn dắt buổi phỏng vấn.
[Câu chuyện] Nỗ lực tạo ra những sản phẩm mới từ nguyên liệu truyền thống
Song song với quá trình này, những học sinh sinh sống tại địa phương cũng chủ động quan sát cuộc sống thường nhật tại địa phương và tìm ra một tiệm vải bán tại một chợ dân sinh tại địa phương. Quan sát này thôi thúc mong muốn được tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay từ những nguồn vải dệt truyền thống.
Để kiểm tra mức độ khả thi của phương án này, các bạn đã:
– Lên ý tưởng về những sản phẩm có thể thực hiện với tiêu chí: phù hợp với loại vải dệt tay của địa phương, đưa các yếu tố văn hóa địa phương vào sản phẩm (ví dụ như các họa tiết truyền thống,..), phù hợp với khả năng sản xuất của Xưởng Thủ Công Mỡ. Cuối cùng các bạn đưa ra ý tưởng về các sản phẩm: móc treo chìa khóa, búp bê vải;
– Với sự gợi ý của thầy cô, các bạn đã tự triển khai đi phỏng vấn cụ thể một tiệm vải để: xác nhận loại vải và nguồn vải bán tại tiệm vải này có phải vải dệt thủ công hay không? Mức giá bán của các loại vải tại đây?
Sau thời gian tìm hiểu và nhiều buổi cùng tranh luận, các bạn đã rút ra:
– Tiệm vải chỉ cung cấp loại vải thường – vải có thể dùng để may trang phục truyền thống nhưng không phải vải dệt thủ công -> không khả thi về nguồn nguyên liệu;
– Khảo sát giá của các sản phẩm dự kiến như móc treo chìa khóa cho thấy giá bán trên thì trường của các sản phẩm tương đương thấp hơn nhiều nếu sản xuất bằng vải dệt thủ công -> không khả thi về thị trường cung ứng.
Tuy hướng triển khai này không thành công nhưng lại đem đến cho các bạn thật nhiều kinh nghiệm:
– Kinh nghiệm nghiên cứu tính khả thi của một dự án sản xuất thông qua việc nghiên cứu về: khả năng sản xuất/nguồn nguyên liệu đầu vào/thị trường tiêu thu sản phẩm;
– Kĩ năng thuyết trình, thuyết phục: các bạn đã tranh luận với nhau rất nhiều lần với lập luận rõ ràng dựa trên thế mạnh của mình;
– Suy nghĩ sâu sắc hơn về sự khác biệt giữa một Dự Án Học Tập Thực Tế liên quan tới địa phương và một dự án sản xuất thông thường.
Nghiên cứu sơ cấp lần 2
Sau khi thảo luận với chuyên gia, các bạn đã loại trừ các hướng đi không khả thi:
– Trang phục: trang phục đã được hiện đại hóa phù hợp với đời sống ngày nay;
– Nghề dệt vải: sản phẩm có giá quá cao và không còn được ưu chuộng trong đời sống bình thường.
Và các bạn quyết định nghiên cứu kĩ hơn về chiếc gối truyền thống của người Mường – Gối Mặt Huyệt – bằng cách phỏng vấn một người Mường cao tuổi trong xã biết cách làm chiếc gối này (thông tin có được từ lần nghiên cứu sơ cấp lần 1).
Để thực hiện buổi phỏng vấn này các bạn đã:
– Lên kế hoạch nghiên cứu và lập bảng hỏi (cha mẹ có thể xem Bảng câu hỏi phỏng vấn các bạn đã lập tại: link)
– Vì lần outing này các bạn đặt mục tiêu sẽ học cách làm gối nên các bạn đã phân công công việc để không chỉ phỏng vấn miệng mà còn quay phim, chụp ảnh lại quá trình này;
– Diễn tập phỏng vấn
Sau buổi phỏng vấn này các bạn đã:
– Có hiểu biết về gối mặt huyệt: ý nghĩa tên gọi, cách phân loại, phong tục truyền thống của người Mường gắn liền với chiếc gối;
– Biết sơ bộ kỹ thuật chiếc gối này thông qua lời hướng dẫn của bà với những nguyên liệu đặc biệt từ tự nhiên như rơm, mạ, cây hóp.
Nhưng từ đây cũng phát sinh một vấn đề mà các bạn nhận ra sau buổi phỏng vấn: dù đây là một sản phẩm đặc trưng của riêng người Mường, gắn liền với một phong tục của địa phương nhưng còn rất ít người biết làm chiếc gối này, đó chủ yếu là những người già, các bà cũng chủ yếu chỉ có thể hướng dẫn cách làm chứ không thể tự làm hoàn toàn.
Như vậy, Dự Án Học Tập Thực Tế sẽ không thể triển khai theo hướng sản xuất sản phẩm mới từ kĩ thuật này để hỗ trợ thúc đẩy nhận thức về văn hóa hay hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Và một hướng đi mới ra đời, các bạn học sinh của xưởng Mỡ quyết định thực hiện DỰ ÁN BẢO TỒN KỸ THUẬT LÀM GỐI TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG – GỐI MẶT HUYỆT thông qua truyền thông xã hội.
GIAI ĐOẠN 2: LẬP KẾ HOẠCH
Nhóm thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế này đã đi đến thống nhất chung:
– Mục đích dự án: Bảo tồn kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường – Gối Mặt Huyệt
– Mục tiêu: Sản xuất bộ ấn phẩm truyền thông, bao gồm (i) Tài liệu phát tay, và (ii) một site với các câu chuyện, video phỏng vấn, video hướng dẫn kỹ thuật… – để làm tư liệu truyền thông/ quảng bá kỹ thuật làm Gối Mặt Huyện của người Mường tới người Mường và những dân tộc khác.
Với mục tiêu như trên, nhóm học sinh THCS Maya ở Xưởng Thủ Công Mỡ đã đưa ra những thống nhất chi tiết về dự án:
Đối tượng truyền thông là:
– Những người Mường tại địa phương
– Những người dân tộc khác
Với đối tượng này, Nhóm thực hiện dự án đã quyết định sản xuất sản phẩm truyền thông là:
(1) Một ấn phẩm đọc: giới thiệu về gối mặt huyệt và kỹ thuật làm gối – dễ dàng tiếp cận với học sinh tại địa phương và những người dân nơi đây
(2) Một kênh site giới thiệu về gối mặt huyệt và kỹ thuật làm gối – dễ dàng truyền thông qua các kênh truyền thông xã hội một cách nhanh chóng
Đồng thời tìm kiếm nhà tài trợ có thể hỗ quá trình truyền thông cho những sản phẩm này đến các đối tượng mục tiêu.
Quá trình lập kế hoạch, các bạn học sinh đã xây dựng TIMELINE DỰ ÁN và KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH để chuẩn bị XIN TÀI TRỢ cho dự án
Timeline Dự Án
Để làm được timeline cho Dự Án Học Tập Thực Tế, các bạn học sinh đã:
– Thảo luận để lên danh sách tất cả các công việc cần làm;
– Ước lượng về khoảng thời gian cần để hoàn thành công việc đó;
– Thể hiện điều này lên 1 dòng thời gian.
Kế Hoạch Tài Chính
Để lên kế hoạch tài chính cho Dự Án Học Tập Thực Tế này, các bạn học sinh đã:
– Thảo luận và liệt kê các loại chi phí của dự án.
– Khảo sát mức thù lao thị trường cho content creator freelancer
– Tự xác định mức thù lao phù hợp: trong dự án truyền thông này, để hoàn thành sản phẩm, các bạn học sinh cần tập trung vào các công việc của content creator. Đây là một cơ hội tốt để các bạn thử sức với lĩnh vực này, hơn thế nữa, các bạn đều giữ một tinh thần hăng hái muốn tự thực hiện thay vì thuê nhân công chuyên nghiệp làm. Vì vậy, các thành viên của dự án cân nhắc tới mức thù lao phù hợp với khả năng của mình.
Lập bảng dự trù kinh phí: Với sự chuẩn bị cẩn thận đó, cùng rất nhiều cuộc trao đổi, cuối cùng các bạn đã hoàn thành Kế hoạch tài chính của dự án
(Mời cha mẹ xem bản dự trù kinh phí mà các bạn đã lập tại: link )
XIN TÀI TRỢ
Nhóm thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế này đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để chuẩn bị cho hoạt động xin tài trợ:
– Thảo luận xác định nhà tài trợ tiềm năng
– Xây dựng các nội dung cần thiết cho hồ sơ xin tài trợ
– Thiết kế các tài liệu xin tài trợ
– Luyện tập thuyết trình xin tài trợ và chuẩn bị kịch bản phản hồi
(Cha mẹ có thể xem Hồ sơ xin tài trợ mà các bạn đã lập tại: link )
Thông tin về quá trình thực hiện dự án của các bạn học sinh THCS Maya ở Xưởng Thủ Công Mỡ kỳ này sẽ tiếp tục được cập nhật hàng tuần tại đây.
Mời cha mẹ tiếp tục theo dõi ạ!