Trong giai đoạn tuổi teen hay tuổi vị thành niên, trẻ bộc lộ sự yếu đuối rất rõ vì phải đối mặt với với những thay đổi mạnh mẽ về cả thể chất lẫn cảm xúc. Trẻ ở giai đoạn này cần nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi cũng giống như những năm đầu đời, những năm đầu của giai đoạn vị thành niên cũng có một sinh linh mới được tạo ra: một con người trưởng thành.
Để chủ động “cứu” mình trước những bước phát triển cũng như những trải nghiệm bất ngờ đến từ trẻ tuổi teen, cha mẹ nên chuẩn bị gì?
Lời khuyên thứ nhất: Thấu hiểu giai đoạn phát triển của trẻ
Ở mỗi thời kỳ phát triển, trẻ có những mối quan tâm và nhạy cảm khác nhau với những vấn đề xung quanh. Hướng những mối quan tâm và chủ đề của cha mẹ vào những điều mà trẻ đang tìm kiếm là cơ hội để cha mẹ và trẻ tuổi teen có cùng tìm ra những tiếng nói chung trong gia đình và trong cuộc sống riêng tư của chính mình.
Lời khuyên thứ 2: Hãy luôn đồng cảm và tôn trọng
Giai đoạn tuổi teen là giai đoạn trẻ loay hoay giữa thế giới của trẻ em và bắt đầu thay đổi để trưởng thành. Đồng cảm với trẻ là khi cha mẹ hiểu được rằng phút trước con bạn có thể tỏ ra rất chín chắn như một người trưởng thành, nhưng ở phút tiếp theo trẻ lại hoàn toàn thay đổi và trở nên như một đứa trẻ. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho những điều đó và thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ.

Lời khuyên thứ 3: Chủ động và sớm trò chuyện về các vấn đề giới tính
Phụ huynh có con tuổi teen nên xem xét một kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đây là cơ hội thuận lợi cho cả cha mẹ và con con để trò chuyện nghiêm túc về những vấn đề:
- Trẻ có nhận ra những thay đổi trong cơ thể mình?
- Trẻ bắt đầu có những cảm xúc lạ?
- Trẻ có lúc nào đó cảm thấy buồn mà không rõ lí do tại sao?
Khi có được những trao đổi với trẻ, cha mẹ dễ dàng tìm được cách chia sẻ với những băn khoăn này bằng cách: cung cấp cho trẻ thông tin đáng tin cậy hoặc sách vở phù hợp với lứa tuổi để tìm hiểu các vấn đề trẻ đang đối mặt. Các bác sĩ tư vấn chuyên sâu cũng là nơi mà trẻ và cha mẹ có những lời khuyên giúp trẻ cân bằng cảm xúc và biết cách đối mặt với những thay đổi của mình một cách tự tin và vui vẻ.

Lời khuyên thứ 4: Theo dõi những gì trẻ xem và đọc
Chương trình truyền hình, tạp chí, sách, hay Internet là nơi trẻ có thể truy cập vào rất nhiều thông tin không phù hợp. Hãy nhận biết những gì trẻ xem và đọc và đặt giới hạn về lượng thời gian ngồi trước máy tính hoặc TV. Việc tiếp cận với các thiết bị điện tử cũng nên được hạn chế sau những giờ nhất định (ví dụ: 10 giờ tối) để khuyến khích ngủ đủ giấc. Không phải vô lý khi các chương trình truyền hình thiếu nhi luôn kết thúc vào trước 9 giờ tối.
Khuyến khích trẻ trong độ tuổi thiếu niên đọc sách về chủ đề mà trẻ quan tâm, tạo ra những hoạt động như thể thao hay làm việc trong các xưởng nhỏ theo thiên hướng cá nhân là một trong những cách để thu hút trẻ khỏi các chương trình truyền hình vô bổ và mạng xã hội đầy những mối nguy hại.

Lời khuyên thứ 5: Lựa chọn những điều cần phản đối
Tuổi teen thích gây sốc, không chỉ với cha mẹ của trẻ.
Nếu trẻ muốn nhuộm tóc, sơn móng, trang điểm đậm hay mặc quần áo sặc sỡ,… phụ huynh nên suy nghĩ kỹ trước khi phản đối. Tốt hơn là để trẻ được làm những điều tạm thời vô hại và dành những điều cần phản đối của bạn cho những thứ thực sự quan trọng như: như thuốc lá, ma túy và rượu, hoặc những thay đổi vĩnh viễn về ngoại hình của trẻ.
Hãy hỏi tại sao trẻ muốn ăn mặc hoặc trông theo một cách nào đó hoàn toàn khác biệt và cố gắng hiểu cảm giác của trẻ. Chủ đề thảo luận cũng có thể xoay quanh cách người khác có thể nhìn nhận trẻ nếu trẻ trông khác biệt – hãy giúp trẻ hiểu cách nhìn nhận của xã hội về những điều mà trẻ muốn làm.

Lời khuyên thứ 6: Thiết lập các kỳ vọng
Giai đoạn tuổi teen thường rất nhạy cảm, đặc biệt với các kỳ vọng. Nếu cha mẹ có những kỳ vọng phù hợp, trẻ có thể sẽ cố gắng đáp ứng chúng. Nếu không có những kỳ vọng hợp lý, trẻ sẽ cảm thấy bạn không quan tâm và không thấu hiểu.

Lời khuyên thứ 7: Luôn có chế độ cảnh báo với trẻ và với chính bản thân
Những năm thiếu niên thường là thời gian trẻ thử nghiệm nhiều điều mới mẻ, đôi khi thử nghiệm đó bao gồm các hành vi có hại cho trẻ. Các chủ đề quan hệ tình dục, sử dụng ma túy, rượu hoặc thuốc lá không nên bị né tránh. Việc thảo luận những chủ đề khó khăn một cách cởi mở trước khi trẻ thử nghiệm điều này khiến trẻ hành động có trách nhiệm hơn khi thời điểm tới. Hãy luôn chia sẻ với trẻ các giá trị gia đình và nói về những gì cha mẹ tin là đúng và sai, và tại sao.
Để có được chế độ cảnh báo với bản thân, phụ huynh nên biết bạn bè của trẻ và biết cha mẹ của bạn bè chúng. Liên lạc thường xuyên giữa cha mẹ có thể giúp phụ huynh tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ trong cộng đồng phụ huynh. Cha mẹ có thể giúp nhau theo dõi các hoạt động của trẻ mà không làm cho trẻ cảm thấy rằng chúng đang bị theo dõi.

8. Và cuối cùng, bao giờ thì giai đoạn vị thành niên sẽ kết thúc?
Khi trẻ đạt được những tiến bộ và được ghi nhận trong những năm tháng tuổi teen, phụ huynh sẽ thấy việc thay đổi cảm xúc liên tục và sự thất thường trong cách hành xử của trẻ giảm dần đi. Và cuối cùng, bằng cách đồng hành với trẻ, con cái của bạn sẽ trở thành những thanh niên độc lập, có trách nhiệm và biết cách giao tiếp hiệu quả với những người lớn.
Ghi chú: Nhận định được đánh giá bởi các chuyên gia y tế sức khỏe trẻ em