Cũng giống như những năm đầu đời của tuổi ấu thơ, tuổi vị thành niên hay giai đoạn tuổi teen là giai đoạn mà trẻ tự hoàn thiện mình. Giai đoạn vị thành niên với những thay đổi mạnh mẽ về cả thể chất lẫn cảm xúc khiến các em luôn ở trong trạng thái dễ bị tổn thương và có nhu cầu được người lớn dành sự chú ý, chăm sóc đặc biệt.
Những nghiên cứu đã cho thấy trẻ vị thành niên có xu hướng khó tập trung vào việc học tập. Cuộc sống của các em thực sự xoay quanh việc học cách trở nên thoải mái khi học tập và làm việc với nhau cũng như tìm hiểu về những tương tác với xã hội.
Trẻ ở tuổi teen chưa đủ tự tin, các em luôn cần được động viên để thể hiện sự sáng tạo của bản thân bởi sáng tạo trong giai đoạn vị thành niên được xem như là một phương tiện để tự thể hiện và khám phá chính mình. Chúng ta vẫn thường nhìn thấy các em xuất hiện với phong cách thời trang và những thể hiện bản thân khác biệt – Đó là cách các em thử nghiệm sáng tạo và khám phá bản thân.
Nhu cầu khẳng định hay cần cảm thấy mình trưởng thành và được chấp nhận được thể hiện rõ ràng ở mọi thanh thiếu niên. Nhiều em vì thiếu sự chấp nhận trở nên chán nản, đơn độc, hoặc đầy giận dữ. Điều này lấy đi cả nước mắt của nhiều cha mẹ cũng như chính bản thân các em. Bởi vậy, các em dễ dàng đáp lại một cách nhiệt tình với bất kỳ người nào (bạn bè hoặc người lớn) thể hiện sự chấp nhận đó. Đây cũng là cơ hội cho những mối nguy hại trong xã hội hiện đại tiếp cận trẻ em tuổi teen.
Và thật không may, trong mô hình giáo dục truyền thống, có rất ít cơ hội để các em cảm thấy rằng người lớn luôn coi trọng mình. Thiết kế và tổ chức vận hành trong mô hình trường học truyền thống cũng không đáp ứng được nhu cầu về phát triển thị giác cũng như kích thích khả năng quan sát và tư duy thị giác của trẻ. Ở các trường học này, giáo viên và đôi khi là cả phụ huynh quá tập trung cho các kỳ thi mà xã hội đang truyền thông cho ý nghĩa vô cùng quan trọng của chúng: kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3, chuẩn bị cho kỳ thi đại học,… Việc quá tập trung cho học sinh phát triển trí tuệ nhưng lại không quan tâm đủ tới việc giúp các em có được tính tự lập, cảm thông và đồng hành với những thay đổi trong thể chất và tinh thần của các em khiến trẻ cảm giác mình là trung tâm của các mối quan tâm của gia đình – xã hội nhưng lại không có người thấu hiểu.
Mô hình trường trung học Montessori đi theo một con đường hoàn toàn khác biệt và giúp trẻ sống cân bằng hơn bởi các yếu tố:
– Trường học được xây dựng dựa trên những điểm mạnh của thời kỳ phát triển (của con người)
– Chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh để trải nghiệm các giai đoạn tiếp theo
Song song với việc trẻ đ được những tiến bộ đáng ghi nhận trong quá trình tự khám phá tri thức, hai mục tiêu lớn mà mô hình trường trung học Montessori hướng tới: Thứ nhất, đồng hành cùng trẻ trong từng hoạt động ở giai đoạn nhạy cảm và dễ tổn thương về thể chất và tinh thần; Thứ 2, tạo cơ hội để trẻ chủ động, từng bước tham gia vào các hoạt động lao động xã hội.
Thông qua việc trẻ được quan sát các mô hình sản xuất – kinh doanh được vận hành song song với hoạt động học tập, bằng cách tạo cơ hội cho trẻ tham gia lao động (bởi bất cứ thử nghiệm nghề nghiệp nào), trẻ học tập tại các trường trung học Montessori đã thể hiện niềm đam mê được trải nghiệm với một sự cân bằng giữa những thay đổi không ngừng về thể chất, cảm xúc và tinh thần để trở nên tự tin, chủ động đạt tới những bước tiến tốt đẹp hơn trong tương lai và những địa vị cao quý của mình.
Ảnh: Maya School và Meadowood Montessori