Xây dựng cộng đồng lành mạnh trong lớp học Montessori (Phần 2 - Các cuộc họp lớp) - Maya School – Trường Phổ Thông Liên Cấp Song Ngữ

Xây dựng cộng đồng lành mạnh trong lớp học Montessori (Phần 2 – Các cuộc họp lớp)

18.06.2019 8:48:00

Anna Schwind lại cho chúng tôi có cơ hội lén nhìn những điều kỳ diệu diễn ra trong các lớp Tiểu học Montessori.

Các cuộc họp lớp: Đối thoại, thảo luận và quyết định.

Chào mừng bạn đến với phần thứ hai của loạt bài về cùng nhau xây dựng cộng đồng. Bài viết trước đã tập trung vào những công việc đầu năm học mà trẻ làm để thiết lập các hướng dẫn và quy định trong mỗi lớp học. Nhưng, tất nhiên, những rắc rối và phức tạp sẽ vẫn đôi khi xảy ra ngay cả khi chúng ta đã có nội quy lớp học. Không phải ai cũng có thể lúc nào cũng tuân thủ theo các quy tắc, và những tranh cãi hay xung đột quanh việc thực hiện có thể xuất hiện gần như ngay khi bảng nội quy được ráo mực.

Vì vậy, mỗi lớp học phải có một cơ chế để xem lại các hướng dẫn hay nội quy đã được thiết lập, và để sửa đổi cũng như tinh chỉnh những quy định đã có từ trước nhằm giải quyết các tình huống cụ thể phát sinh trong suốt năm học. Công cụ thông thường được sử dụng cho việc này là cuộc họp lớp.

Giống như việc tạo ra nội quy lớp, cuộc họp lớp có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau hoặc được điều hành theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào học sinh và giáo viên, nhưng về cơ bản, cuộc họp lớp có sự tham gia của tất cả học sinh và giáo viên trong lớp. Các cuộc họp có thể được lên lịch thường xuyên hoặc không. Lịch họp có thể được thông báo theo định kỳ hoặc ngẫu hứng. Và thời gian họp có thể nhanh chóng hoặc kéo dài. Trên thực tế, tất cả trẻ đều tham dự một cuộc họp lớp vào ngày đầu tiên của năm học, ngay cả khi trẻ không biết đó là họp lớp, bởi vì bản thân việc tập hợp trẻ để xây dựng nội quy lớp học – chính là một cuộc họp lớp.

Buổi họp lớp là nơi các em có cơ hội luyện tập nhiều kỹ năng xã hội quan trọng cũng làm việc theo nhóm. Một cuộc họp lớp có thể đơn giản để thông báo về một lịch trình bất thường trong ngày hoặc có thể để giải quyết một vấn đề nhức nhối và dai dẳng xung quanh các mối quan hệ giữa các cá nhân hoặc cùng nhau giải quyết một vấn đề của cả lớp. Trong một cuộc họp lớp, tất cả mọi người tham gia phải học cách biết lắng nghe người khác, giơ tay và chờ đợi để được mời trước khi nói, và trình bày ý kiến ​​hoặc nhận xét của mình một cách rõ ràng và mang tính xây dựng nhất có thể.

Như đã đề cập trước đây, một môi trường lý tưởng cho trẻ là ở đó trẻ được nhận trách nhiệm trong khả năng của mình. Trong một số lớp học, trẻ được tự điều các cuộc họp lớp hoặc làm chương trình nghị sự. Cô giáo Megan Eilers đã triển khai một hệ thống tuyệt vời cho các cuộc họp lớp, nơi đặt phần lớn trách nhiệm lên trẻ. Trẻ sẽ là người quyết định chương trình nghị sự và điều hành các cuộc họp, cũng như lên kế hoạch hàng tuần.

Hệ thống đó hoạt động như thế sau:

Có một cuốn sổ trong lớp nơi các thành viên (học sinh và giáo viên) có thể viết các chủ đề cho họp lớp cùng với tên của họ. Các mục được viết trong cuốn sách có hai loại: thông báo và nhắc nhở không cần thảo luận, và các vấn đề cần được thảo luận và quyết định của cả nhóm (thường thông qua một cuộc bỏ phiếu lấy đa số).

Ba trẻ được phân công điều hành cuộc họp mỗi tuần. Những học sinh đó sẽ tập trung một ngày trước cuộc họp lớp để quyết định vai trò của mỗi thành viên và chương trình nghị sự cho cuộc họp. Trẻ sẽ phân loại các chủ đề mà các bạn cùng lớp đã viết trong sổ tay là yêu cầu thảo luận hoặc không. Sau đó, họ chọn một hoặc hai điều cần thảo luận và ba hoặc bốn trong số mục thông báo sẽ đề cập. Việc chuẩn bị cho cuộc họp cũng đòi hỏi phải kiểm tra lại với người đã viết trong sổ tay để đảm bảo chủ đề vẫn còn liên quan và để xem người đó có gì họ cần đóng góp trong cuộc họp hay không. Trẻ cũng quyết định vai trò của mình: thư ký (ghi chú trong cuộc họp, ghi lại tất cả các giải pháp được đưa ra và số phiếu bầu), sĩ quan (hỗ trợ mọi người tuân thủ các quy tắc của cuộc họp – như chạm vai, mời người phát biểu và theo dõi thời gian) và người điều phối (dẫn dắt cuộc họp, mở đầu và kết thúc từng mục để thảo luận và giám sát việc bỏ phiếu). Một khi trẻ đã thông qua chương trình nghị sự và vai trò của mình, các em sẽ sẵn sàng điều hành cuộc họp.

Đúng như dự đoán, một vài cuộc họp đầu tiên có một chút trúc trắc, nhưng khi các học sinh được thực hành làm việc với các mục trong sổ ghi chép, chương trình nghị sự và các vai trò khác nhau, các em đã trở nên thuần thục hơn. Các cuộc họp lớp diễn ra suôn sẻ.

Sau cuộc họp, các ghi chú cuộc họp và chương trình nghị sự được kẹp lại vào sổ, như một hồ sơ công khai cho toàn bộ lớp học. Nếu ai quên những gì đã được quyết định, họ có thể kiểm tra lại trong sổ.

Bây giờ bạn đã thấy một ví dụ về một cuộc họp lớp, hãy theo dõi phiên bản tại nhà: cuộc họp gia đình.

Xin đặc biệt cảm ơn Megan vì thông tin chi tiết về quy trình cho các cuộc họp lớp của cô và Melinda Smith vì những bức ảnh đẹp!

Anna, cảm ơn bạn! Bạn đã mang những trải nghiệm của lớp Tiểu học vào cuộc sống.

Đây là bài dịch từ website của trường Villa di Maria, xin cảm ơn Villa vì bài viết tuyệt vời này.

———————————————————-

TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA

Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://maya.edu.vn/blog

Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour

Tư vấn tuyển sinh: 0971698228/ 0971588228

admissions@mayaschool.edu.vn

Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội