Sản xuất đồ vải từ phương pháp nhuộm chàm tự nhiên - Dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mỡ - Maya School – Trường Phổ Thông Liên Cấp Song Ngữ

Sản xuất đồ vải từ phương pháp nhuộm chàm tự nhiên – Dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mỡ

06.10.2023 2:38:00
Trong chương trình giáo dục thực hành tại Maya, mỗi năm học, học sinh THCS được trực tiếp tham gia vận hành 01 dự án học tập thực tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn 1 trong 7 xưởng thực hành đại diện cho các nhóm ngành trọng điểm để giải quyết 1 vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể. 

Việc tự xây dựng và vận hành một dự án thực tế giúp các bạn học sinh phát triển toàn diện các kiến thức và kỹ năng nằm trong bộ 16 Kỹ năng Thế Kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

THÔNG TIN CHUNG 

Năm học 2023 – 2024, dự án học tập thực tế của các bạn học sinh THCS Maya tại Xưởng thủ công Mỡ là “Sản xuất đồ vải từ phương pháp nhuộm chàm tự nhiên”. Dự án hướng đến phát triển và ứng dụng phương pháp nhuộm tự nhiên, giảm tối đa tác động đến môi trường để sản xuất sản phẩm khăn trải bàn theo đơn đặt hàng của nhà trường. 

Mục đích mà dự án hướng tới bao gồm:

  • Mục đích kinh tế: sản xuất và cung cấp sản phẩm Table Runner (khăn trải bàn) theo đơn đặt hàng của trường Maya
  • Mục đích cộng đồng: hướng tới mục tiêu số #12 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của UNDP –  “Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”
  • Mục tiêu giáo dục: rèn luyện các kỹ năng trong bộ 16 Kỹ năng của Thế kỷ 21 như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp, cộng tác, nhận thức về xã hội & văn hóa,… cùng với các kỹ năng liên quan đến quản lý, điều phối và vận hành dự án.

Nhóm dự án tại Xưởng Thủ công Mỡ gồm 7 bạn học sinh từ lớp 7 đến lớp 9: 

– Ngô Thị Minh An – Học sinh lớp 7

– Nguyễn Lam An – Học sinh lớp 8

– Phan Hoàng Thùy Chi – Học sinh lớp 8

– Phan Khánh Lâm – Học sinh lớp 8

– Nguyễn Minh Ngọc – Học sinh lớp 8 

– Hồ Mạnh Tú – Học sinh lớp 9

– Nguyễn Hữu Duy – Học sinh lớp 9 

với sự đồng hành của cô giáo: 

– Cô Đặng Thu Trang – Chủ Xưởng Thủ công Mỡ

– Cô Đào Anh Thư – Admin dự án

TIẾN TRÌNH DỰ ÁN

Phân tích vấn đề và cơ hội

Dự án học tập thực tế của Xưởng Thủ công Mỡ xuất phát là một dự án kinh tế – sản xuất và cung cấp Table Runner (khăn trải bàn) theo đơn đặt hàng từ nhà trường. Yêu cầu của đơn hàng này là sản phẩm phải mang màu sắc thương hiệu của Maya, có tính ứng dụng cao, sử dụng được lâu dài mà không nhanh phai màu. Cũng như tinh thần chung của các dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya là hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nhóm dự án mong muốn tìm ra phương pháp sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường nhất mà vẫn cho ra được sản phẩm có chất lượng tốt.

1

Để làm được điều này, nhóm học sinh ở Xưởng Mỡ đã tiến hành nghiên cứu và tổng hợp các cách xử lý vải, bao gồm thêu, in hình, dập hình, vẽ, nhuộm vải tự nhiên, nhuộm vải công nghiệp. Trong những lựa chọn này, nhiệm vụ của nhóm là tìm ra cách làm tối ưu, vừa thỏa mãn được yêu cầu về sản phẩm tốt, thân thiện với môi trường, vừa phù hợp với năng lực sản xuất của Xưởng. 

Theo đó, các bạn học sinh chia thành nhóm nhỏ để tìm kiếm và thu thập thông tin về mỗi phương pháp, sau đó hệ thống lại toàn bộ kiến thức thu được thành dạng bảng và sơ đồ tư duy Mindmap. Các thông tin thu được bao gồm đặc điểm, tính chất của từng phương pháp, quá trình hình thành và cải tiến, các bước sản xuất cơ bản và những lưu ý quan trọng khi sản xuất. 

Img 9129 1536x1024

Img 4549 1536x1024

Từ đó, nhóm tổ chức buổi thuyết trình và thảo luận tại Xưởng để trình bày sơ đồ phân tích và cùng nhau so sánh, đánh giá các lựa chọn này. Điểm quan trọng đầu tiên mà các bạn rút ra sau quá trình nghiên cứu là việc lĩnh vực may mặc là một trong những ngành gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường. Ví dụ, quá trình sản xuất, nhuộm vải tiêu thụ rất nhiều nước, năng lượng và cả các chất hóa học, và rất dễ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước,… Từ đó, các bạn thay phiên trình bày cụ thể về ưu, nhược điểm của từng phương pháp. Cuối cùng, nhóm đi đến kết luận: Nhuộm vải tự nhiên là lựa chọn phù hợp nhất với các tiêu chí của dự án vì (1) có thể tạo ra sản phẩm đúng với màu sắc mà khách hàng yêu cầu, (2) ít ảnh hưởng đến môi trường và (3) thích hợp với quy mô sản xuất của xưởng. 

Thiết kế và lập kế hoạch 

Sau khi có định hướng về dự án học tập thực tế năm nay, các bạn học sinh tại xưởng Mỡ đã thảo luận để lên kế hoạch chung cho dự án, chia làm hai giai đoạn:

  • Giai đoạn I (Học kỳ I): Thử nghiệm nhuộm vải
  • Giai đoạn II (Học kỳ II): Sản xuất trên sản phẩm

Xác định được Timeline chung như trên, nhóm bắt tay vào chuẩn bị những bước đầu tiên của dự án. 

Img 9210 1536x1024

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên liệu có thể sử dụng để nhuộm vải tự nhiên. Để thu được màu xanh như khách hàng yêu cầu, nhóm dự án quyết định thử nghiệm những phương pháp nhuộm để quan sát sơ bộ hiệu quả: 

  • Nhuộm nóng từ nước hoa đậu biếc 
  • Nhuộm nóng từ hỗn hợp bắp cải tím và Baking Soda
  • Nhuộm chàm (nhuộm lạnh) 
Img 0415 1536x1024 Img 0423 1536x1024

Img 2513 1536x1024

Ở hai phương pháp đầu tiên, nhóm sử dụng hoa đậu biếc và cải tím từ vườn Lá Mây để pha dung dịch nhuộm, rồi tự thử nghiệm nhuộm trên vải ngay tại xưởng Mỡ. Mặc dù quá trình nhuộm này không phức tạp nhưng chất lượng màu thu được lại không bền.

Đối với phương pháp nhuộm chàm, độ phức tạp của nó đòi hỏi các bạn phải tham khảo kiến thức và quy trình của chuyên gia trong nghề. Do đó, nhóm tổ chức một buổi thực địa để quan sát, thu thập kiến thức và trải nghiệm thực tế về nhuộm chàm tại Xưởng Đu Đủ (Long Biên – Hà Nội). 

Trước chuyến đi, các bạn đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bao gồm:

  • Liên hệ đặt lịch phỏng vấn với đại diện Xưởng Đu Đủ
  • Tự nghiên cứu trước những thông tin cơ bản về nhuộm chàm tự nhiên 
  • Xây dựng bảng hỏi để phỏng vấn chú chuyên gia trong chuyến đi thực địa 
  • Tự phân công các đầu việc cho thành viên trong nhóm như phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, quay chụp

Img 7509 1536x1024

Img 7447 600x400 Img 7538 600x400

Tại xưởng Đu Đủ, nhóm đã lắng nghe chia sẻ của chú Giang – chuyên gia nhuộm chàm về đặc điểm của từng loại vải, màu sắc, nguyên liệu nhuộm, các vấn đề khi nhuộm và xử lý vải, cách nuôi thùng chàm, ưu nhược điểm của nhuộm chàm,… Buổi gặp gỡ diễn ra ngay tại xưởng nhuộm với rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm thực tế để minh họa và thực hành. Điều này đã giúp các bạn có cơ hội quan sát, lắng nghe sâu hơn, và đặt câu hỏi trực tiếp khi có thắc mắc. Như kế hoạch đã phân công từ trước, mỗi bạn đều tập trung vào nhiệm vụ của mình. Có bạn đặt câu hỏi, có bạn ghi chép vào bảng trả lời và sổ tay, có bạn quay video và ghi âm để có đủ tư liệu cho nhật trình dự án. 

Img 7553 1 E1696405174412 Img 7568 E1696405239226

Đặc biệt, các bạn học sinh được tiếp xúc tận tay, cảm nhận mùi lên men đặc trưng của hỗn hợp bên trong thùng chàm và chứng kiến một số bước trong quy trình nhuộm vải. Khi trò chuyện với chú Giang, một số bạn đã liên kết quy trình “nuôi” thùng chàm có nhiều điểm tương đồng với việc lên men sữa chua mà bạn đã từng thực hiện tại nhà. Không chỉ còn là những kiến thức xa xôi từ trong sách vở, chuyến đi đã đưa những thông tin về nhuộm chàm trở nên gần gũi hơn, để các bạn tự tin hơn trong giai đoạn tiếp theo của dự án. 

Trở về sau chuyến thực địa, nhóm dự án rút ra rằng mặc dù nhuộm chàm cho ra sản phẩm có màu sắc đẹp với độ bền cao và rất ít ảnh hưởng đến môi trường, thử thách lớn nhất nằm ở việc phương pháp nhuộm này lại khá phức tạp. Nó phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và cảm nhận về độ “chín” của thùng chàm, thay vì có một công thức chính xác để làm theo như nhuộm công nghiệp. Không chùn bước, các bạn bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm làm thùng chàm, với những kiến thức thu được sau buổi thực địa và sự hỗ trợ của thầy Doanh – chuyên gia về nuôi vi sinh từ xưởng Lá Mây Farm. 

Thực hiện 

Theo như anh Giang – chuyên gia tại xưởng Đu Đủ chia sẻ, nhuộm chàm được coi là một trong số những phương pháp nhuộm rất phức tạp, ngay cả người đã nhiều năm trong nghề cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn có khả năng làm hỏng. Vì vậy, nhóm dự án tại Xưởng thủ công Mỡ đã xác định trước rằng quá trình thử nghiệm thùng chàm sẽ vấp phải không ít khó khăn. 

Thử nghiệm nhuộm lạnh

Khi thử nghiệm 3 thùng chàm đầu tiên, thầy Doanh từ xưởng Lá Mây Farm tham gia hướng dẫn nhóm dự án sử dụng các nguyên liệu như cám nông nghiệp, rỉ đường, nước, vôi, cao chàm và giải thích những lưu ý trong quá trình thử nghiệm.

Img 9820

Mỗi ngày, tranh thủ giữa các giờ học thuật, các bạn ghé qua xưởng để theo dõi quá trình lớn lên của vi sinh trong thùng chàm bằng việc đo nhiệt độ, kiểm tra bề mặt, độ pH và độ lắng.

Song song với đó, nhóm cũng tiến hành nhuộm thử vải với từng thùng, quan sát độ lên màu và quá trình đổi màu theo thời gian để tìm ra cách làm tối ưu nhất. Mọi thông tin quan sát về thùng chàm được các bạn ghi lại trong bộ tài liệu theo dõi.

Sau 14 ngày thử nghiệm, nhóm nhận thấy chỉ có thùng 3 là tạm ổn định, tuy nhiên màu sắc vẫn chưa như ý. Nhờ tư vấn của chuyên gia vi sinh, nhóm nghi ngờ rằng nhân tố gây ảnh hương có thể là là mật rỉ đường. Vì vậy các bạn tiếp tục thử nghiệm lần thứ 2 bằng việc điều chỉnh từ công thức thùng 3 cũ với các tỉ lệ mật rỉ đường 10%, 20% 40% 60% 80% 100%.

Img 0002 Img 0035
Img 7316 Img 7671

Bên cạnh đó, nhóm dự án còn phát hiện ra sự biến động của thời tiết cũng khiến thùng chàm không ổn định. Vì vậy, cần cân nhắc đến yếu tố mùa đông khiến nhiệt độ giảm trong những lần thử nghiệm tiếp theo.

Song song với đó, các bạn cũng quyết định làm thử thùng chàm theo cách làm của người Mông, vốn sinh sống tại vùng núi cao có nhiệt độ thấp. Cách làm này được Cô Trang –  chủ Xưởng thủ công Mỡ tư vấn.

Img 4334

Sau nhiều lần thử nghiệm, mặc dù đã có thể nhuộm lên màu, tuy nhiên màu sắc sản phẩm thu được vẫn chưa có độ trong như nhóm kì vọng, và độ bền màu cũng không cao. Các bạn thống nhất rằng cần nghiên cứu thêm hướng đi mới hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề này. 

Nhuộm và thiết kế hoa văn

Img 0082

Trong buổi thực địa đầu tiên tại Xưởng Đu Đủ, bên cạnh phương pháp nhuộm lạnh, chuyên gia tại Xưởng đã từng giới thiệu chung với nhóm về phương pháp nhuộm nóng (hay còn gọi là phương pháp Đường Khử – Sugar Vat).

Đối với cách làm này, thay vì nuôi vi sinh lớn lên trong thùng một lần, rồi sử dụng để nhuộm toàn bộ đơn hàng, nhóm sẽ làm thùng chàm rồi nhuộm ngay lập tức trước khi lượng chàm mất đi, và tiếp tục làm thùng mới trong những lần nhuộm sau.

Mặc dù phương pháp này đòi hỏi phải làm đi làm lại nhiều lần, nhưng quá trình tạo ra thùng chàm nóng lại đơn giản hơn và kết quả thu được khá tốt: màu vải có độ bền và trong hơn so với nhuộm lạnh.

Song song với thử nghiệm các phương pháp nhuộm, nhóm dự án cũng nghiên cứu các phương pháp tạo hoa văn trên vải, bao gồm phương pháp Shibori (tạo hoa văn có độ loang màu) và phương pháp Katazome (tạo hoa văn chi tiết và sắc nét từ thiết kế sẵn).

Img 5545

Cân nhắc dựa trên năng lực của Xưởng, nhóm dự án thống nhất phương án sản xuất như sau:

  • Nhóm trực tiếp nhuộm tại Xưởng Mỡ theo phương pháp nhuộm nóng, với hoa văn kiểu Shiburi
  • Nhóm thiết kế hoa văn theo kiểu Katazome và thuê Xưởng Đu Đủ nhuộm lạnh bằng thùng chàm của chuyên gia để đảm bảo chất lượng

Với cách làm hoa văn Shibori, các bạn tham khảo cách tạo các kiểu hoa văn trên vải nhuộm dựa theo Tài liệu Hướng dẫn nhuộm Shibori của dự án Khói Xanh. Theo đó, nhóm áp dụng các kĩ thuật buộc, khâu, rút,… vải rồi nhuộm bằng thùng chàm nóng mà các bạn chính tay làm tại xưởng.

Img 0060 Img 0206

Img 5558

Đối với các hoạ tiết phức tạp hơn, đòi hỏi độ sắc nét cao như hình lá tre, quả hồng, cành đào,… – những điểm nhấn đặc trưng của trường Maya mà nhóm muốn thể hiện trên sản phẩm, các bạn phải thực hiện các công đoạn thiết kế tại Xưởng.

Khi bàn giao thiết kế cho chuyên gia tại xưởng Đu Đủ, nhóm nhận được phản hồi rằng hoạ tiết tuy đẹp về thẩm mĩ nhưng nét vẽ phức tạp có thể gây khó khăn cho công đoạn phết keo đối với những người mới làm nghề. Từ đó, các bạn tiếp tục tiến hành chỉnh sửa thiết kế, tách thưa các đường nét lớn – bé, phân chia lại các mảng cho hợp lý để chuẩn bị cho buổi thực hành tại xưởng Đu Đủ.

Img 20240414 104819 Z5325816251460 A8a8d1137de69284a87ca523ed02a5e2

Thời điểm giữa học ký II, các thành viên dự án đến Xưởng nhuộm Đu Đủ lần thứ hai để cùng các cô chú chuyên gia chuyển thiết kế lên mặt vải, sẵn sàng cho quá trình nhuộm. Tại đây, nhóm cùng nhau phết keo, rắc mùn, sấy khô, học về kĩ thuật xếp vải vào thùng nhuộm và thực hành nhuộm lần một. Phần còn lại của quá trình nhuộm lạnh sẽ do chuyên gia tại Xưởng Đu Đủ tiến hành trong những ngày tiếp theo và bàn giao lại sản phẩm cho nhóm dự án khi đã hoàn thành.

Ở giai đoạn này, vì mỗi buổi học kĩ thuật và thực hành đều phát sinh chi phí, để tối ưu về mặt tài chính, nhóm phải thống nhất một bộ máy làm việc nhanh gọn và hiệu quả. Mỗi thành viên sẽ phụ trách những đầu việc cụ thể theo năng lực của mình.

Chào hàng

Trong quá trình quyết định phương án sản xuất, nhóm thực hiện dự án đã phân chia công việc để vừa sản xuất hàng mẫu, vừa chuẩn bị chào hàng. Để chào hàng, các bạn cần tính toán chi phí và quyết định giá bán, viết mô tả kĩ lưỡng cho từng sản phẩm, suy nghĩ về giá trị của việc sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm (lý do các bạn chọn phương thức sản xuất là nhuộm chàm) để kêu gọi khách hàng cùng đồng hành, chứng minh tính cạnh tranh của sản phẩm bằng việc so sánh giá với các sản phẩm tương đương trên thị trường.

Img 6765

Hoàn thành đơn hàng và bàn giao sản phẩm

Img 4375

Sau khi tạo hoa văn và nhuộm, các tấm vải được nhóm dự án chuyển sang bên gia công để may thành sản phẩm hoàn chỉnh như khăn trải bàn, runner, và bàn giao lại cho nhà trường.

Img 0917

Tại Triển Lãm Phát Triển Bền Vững “Những Dấu Chân Nhỏ” – Mùa 3 diễn ra vào cuối năm học, các thành viên trong dự án đã tự tin giới thiệu sản phẩm, giải thích nguyên lý nhuộm và kể lại hành trình thực hiện dự án của mình trước đông đảo cha mẹ, thầy cô, khách tham quan và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Bên cạnh đó, nhóm đã tận dụng các phần vải vụn nhỏ để làm các sản phẩm thủ công như bờm, dây buộc tóc, cặp tóc,… và các tấm vải lớn để đóng thành tranh bày bán trong triển lãm.

Img 1597 Img 1608
Img 1611 Img 1619
Img 1624 Img 1629

Img 1127

——-

TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA

Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://www.facebook.com/maya.school

Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour

Tư vấn tuyển sinh: 0971508228

Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội