Trường tiểu học Montessori hay trường tiểu học truyền thống
Tiểu học Montessori có nhiều điểm khác biệt đáng kể so với giáo dục tiểu học truyền thống và các chương trình tiến bộ khác. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích những khác biệt này và tại sao chúng lại quan trọng đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Vài nét về phương pháp Montessori
Phương pháp Montessori được phát triển bởi bác sĩ người Ý, Tiến sĩ Maria Montessori hơn 100 năm trước, và vẫn đang được áp dụng trong các lớp học và gia đình trên khắp thế giới. Được biết đến nhiều nhất với triết lý “nương theo trẻ” (Follow the child), Montessori được cho là tiến bộ hơn khi so sánh với các mô hình thông thường lấy giáo viên làm trung tâm – nhưng không nhất thiết là như vậy khi so sánh với các phong trào giáo dục hiện đại ngày nay.
Montessori có thể được coi như một nền tảng trung gian, trong đó việc CÁ NHÂN HÓA HỌC TẬP – vốn được coi là đặc trưng của các mô hình giáo dục tiến bộ, được kết hợp với SỰ CHÚ TRỌNG TỚI TÍNH HỌC THUẬT – điển hình trong các mô hình truyền thống. Trong Montessori, trẻ em không bị gò theo một tiến độ phát triển về học tập cứng nhắc đồng thời không bỏ mặc để tự do một cách không có chủ đích.
CÁCH XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG HỌC
Theo phương pháp Truyền thống, Tiến bộ, hay theo Montessori – không phải lúc nào cách tiếp cận của một trường học cũng luôn rõ ràng. Đôi khi, các trường sẽ kết hợp nhiều phương pháp với nhau, tạo ra các phương pháp độc đáo. Dưới đây là một số điểm khác biệt lớn nhất từ quan điểm của trẻ:
Phương pháp giáo dục Truyền thống (thường thấy ở các trường công lập):
- Cùng độ tuổi: Trẻ em được phân nhóm theo độ tuổi và chuyển lớp hàng năm.
- Giáo viên là trung tâm: Học sinh phải theo kịp với giáo viên, người quyết định những gì trẻ được học mỗi ngày.
- Chương trình giảng dạy cố định với các môn học được dạy theo từng giai đoạn ngắn hàng ngày: Nội dung được giáo viên dạy cho lớp theo thời khoá biểu được sắp xếp theo tiết.
- Học thuộc lòng: Để theo kịp với lớp và giáo viên, học sinh phải học cách ghi nhớ nội dung một cách nhanh chóng.
- Thường xuyên có bài tập về nhà, trắc nghiệm và kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn: Vì các môn học trên lớp được học trong những tiết ngắn, được sắp xếp cố định trong ngày, trẻ được giao nhiều bài tập về nhà và bài kiểm tra để có thể luyện tập những gì trẻ chưa nắm được trên lớp.
- Phần thưởng và hình phạt được sử dụng làm công cụ điều chỉnh hành vi nhanh chóng: Tính đồng nhất thường được nhấn mạnh hơn tính cá nhân, với ít thời gian dành cho các kỹ năng xã hội và cảm xúc bền vững.
- Hoạt động vận động được coi là thời gian nghỉ giữa các giờ học: Có thể có giờ học thực hành và chỗ ngồi linh hoạt, nhưng phần lớn thời gian trẻ được mong đợi sẽ ngồi một chỗ và lắng nghe trong thời gian dài, và vận động lớn hơn chỉ được thực hiện trong giờ giải lao.
Phương pháp giáo dục Montessori:
- Trộn độ tuổi: Trẻ được phân nhóm theo giai đoạn phát triển, thay đổi lớp học ba năm một lần.
- Lấy trẻ làm trung tâm: Mỗi học sinh học theo tốc độ của riêng mình và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn sẵn sàng hỗ trợ các lĩnh vực khó khăn – hoặc mở rộng các bài học nâng cao để trẻ thành thạo theo từng cá nhân trẻ.
- Chương trình giảng dạy được thiết kế với thời gian làm việc dài và có kết thúc mở: Các chương trình học có cấu trúc được sâu chuỗi thấu đáo, nhưng trẻ được tự chủ và có thời gian hơn để tự khám phá tuỳ theo mức độ quan tâm và sự sẵn sàng của mình.
- Học qua trải nghiệm: Học sinh học bằng cách thực hành với giáo cụ thực hành có hệ thống tự kiểm soát lỗi, và ứng dụng trong thế giới thực.
- Ít có hoặc không có bài tập về nhà và bài kiểm tra: Việc trẻ có sự tự chủ để tập trung ở trường loại bỏ nhu cầu “bắt kịp” sau giờ học.
- Các kỹ năng cảm xúc và xã hội toàn diện được nuôi dưỡng một cách chủ động: Montessori nhấn mạnh kỷ luật nội tại và kỹ năng sống song hành với học thuật – loại bỏ nhu cầu có các hệ thống khen thưởng và trừng phạt từ bên ngoài.
- Vận động được coi là một phần thiết yếu trong cách học tập của trẻ: Trẻ tự do di chuyển, phối hợp và giao lưu trong lớp học của mình, đồng thời được lựa chọn việc mình thực hiện thoạt động ở đâu, với ai và trong bao lâu. Bàn ghế trong lớp không sắp xếp thành các dãy như trong lớp học theo phương pháp truyền thống.
Các phương pháp Giáo dục tiến bộ chia sẻ nhiều đặc điểm của Montessori, nhưng có xu hướng:
- Tập trung nhiều hơn vào nghệ thuật sáng tạo
- Tỷ lệ giáo viên trên học sinh thấp hơn với các nhóm nhỏ hơn
- Một chương trình giảng dạy rộng thường dựa trên dự án với các đơn vị theo chuyên đề
TÔI TƯỞNG PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI CHỈ DÀNH CHO TRƯỜNG MẦM NON?
Những năm đầu chỉ là bước khởi đầu, nhưng được nhấn mạnh trong phương pháp Montessori vì chúng là nền tảng. Phần lớn bộ não của trẻ được hình thành trong 6 năm đầu đời. Ngay cả khi con bạn theo học chương trình mẫu giáo theo phương pháp Montessori, thì việc học theo phương pháp Montessori ở tiểu học có khá nhiều sự khác biệt!
Có thể bạn sẽ thắc mắc vậy chúng khác nhau như thế nào? Mọi điều! Giai đoạn trẻ có “Trí tuệ thẩm thấu”, hay khả năng thu nhận kiến thức chỉ đơn thuần thông qua sự hấp thụ, đã qua, và đứa trẻ tiểu học bây giờ phải học với nỗ lực cao hơn trong “tâm trí có ý thức”. Những thay đổi đáng chú ý khác đối với trẻ từ 6 đến 12 tuổi:
- Giai đoạn nhạy cảm đối với tư duy tưởng tượng dần thay thế cho sự quan đối với thế giới thực tế. Sự sáng tạo của trẻ bùng nổ!
- Động lực mạnh mẽ đối với trật tự đạo đức thay thế động lực trước đó đối với trật tự về thể chất. Trẻ tiểu học có thể trông có vẻ lộn xộn và ồn ào hơn, nhưng sự chú ý đã được dồn nhiều hơn vào bên trong trong để phân loại các giá trị như công lý, công bằng, chuẩn mực xã hội.
- Khả năng độc lập về trí tuệ phát triển. 6 – 12 tuổi là khoảng thời gian trẻ có hứng thú tự nhiên nhất để học về mặt học thuật.
- Mong muốn phát triển tương tác xã hội từ bên trong. Giờ đây, ý thức về bản thân của trẻ đã được hình thành từ những năm đầu tiên, trẻ có động lực để học hỏi thông qua sự hợp tác.
Sự khác biệt của trường tiểu học Montessori
Các đặc điểm của lớp học Montessori Tiểu học là rất đặc trưng vì chúng được thiết kế xoay quanh các giai đoạn phát triển toàn diện của trẻ. Trong giáo dục truyền thống, hành trình của trẻ được thiết kế xoay quanh năng lực học thuật. Với nhiều quyền tự do hơn để phục vụ trực tiếp cho trẻ một cách toàn diện, học sinh Montessori sẽ trải nghiệm sự tự chủ, trách nhiệm và hòa đồng lớn hơn trong trải nghiệm học tập hàng ngày của mình.
Dưới đây là thiết kế tại Guidepost
Các lớp học phù hợp với lứa tuổi, không chia theo từng năm tuổi
Khi học sinh bước vào lớp một, các em sẽ tham gia cộng đồng được gọi là Cộng đồng Tiểu học Lower (trẻ 6-9 tuổi), kéo dài từ lớp 1-3, Cấp Tiểu học Upper (trẻ từ 9-12 tuổi) bao gồm các lớp 4-6. Những lớp học trộn độ tuổi này thoát ra khỏi khuôn mẫu “công nghiệp” đóng khuôn trẻ em theo từng độ tuổi, sắp xếp tất cả các học sinh để theo cùng một bài học tại cùng một thời điểm. Các cộng đồng gồm các trẻ trộn ba lứa tuổi này mang đến cơ hội cá nhân cho trẻ tiến bộ theo tốc độ của chính mình, đồng thời đạt được những lợi ích xã hội khi tương tác với những bạn nhỏ hơn và lớn hơn – một cộng đồng thực tế như một xã hội thu nhỏ.
Học nhóm theo sự dẫn dắt của trẻ
Trong trường tiểu học truyền thống, trách nhiệm của học sinh gắn liền với việc tuân theo các chỉ dẫn và tự quản lý công việc được giao một cách độc lập. Tại Trường Tiểu học Montessori, các bài học được thực hiện theo nhóm nhỏ với học sinh là người dẫn dắt ý tưởng dự án, câu hỏi nghiên cứu và các công việc tiếp theo. Trách nhiệm được nuôi dưỡng bằng cách để trẻ có quyền tự do khởi xướng, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Học sinh là người chủ động định hướng việc học của mình, thay vì là một người tham gia thụ động. Điều này thúc đẩy sự tò mò, tính sáng tạo, cũng như lưu giữ kiến thức thông qua trải nghiệm có ý nghĩa chứ không chỉ là tiếp thu nhanh các sự kiện thông qua ghi nhớ.
Đánh giá không áp lực
Trong trường tiểu học truyền thống, một giáo viên giảng bài cho cả lớp và sau đó học sinh được đánh giá dựa trên mức độ trẻ có thể nhớ lại thông tin này tốt như thế nào thông qua kiểm tra thường xuyên. Đây là một vòng lặp phản hồi cứng nhắc, chậm trễ dẫn đến việc trẻ phải làm bài tập về nhà nhiều để hỗ trợ cho việc chuẩn bị kiểm tra. Trong phương pháp Montessori, trẻ có nhiều thời gian hơn để kết nối trực tiếp với các bài học mỗi ngày. Bằng cách quan sát trẻ làm việc với các bài học chứ không chỉ lắng nghe, giáo viên được cung cấp phản hồi theo thời gian thực tế về các khó khăn hoặc khả năng thuần thục của trẻ. Học sinh có thể học sâu trong giờ học – giải phóng buổi tối khỏi bài tập về nhà – và giáo viên có thể đánh giá thông qua quan sát — loại bỏ những hình thức kiểm tra thông thường.
Học thuật nâng cao và các chuyến đi thực tế trong cộng đồng
Lựa chọn cách tiếp cận toàn diện thông qua Phương pháp Montessori không đi đôi với việc phải đánh đổi đầu tư vào học thuật, và vì chúng tôi hiểu rằng trẻ em ở giai đoạn này được định hướng tự nhiên để hiểu các môn học phức tạp hơn, lớp học của Trường Tiểu học Montessori được chuẩn bị tỉ mỉ để cung cấp chương trình giảng dạy nâng cao về toán, ngôn ngữ, văn học, khoa học, lịch sử, địa lý, văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật. Trên hết, học sinh tại Guidepost thực hành làm vườn, nấu ăn, đánh máy – và cũng có thể lên kế hoạch cho các chuyến đi thực tế của riêng mình.
Trong Montessori, chúng được gọi là các chuyến “đi thực tế”, và thay vì giáo viên và phụ huynh là người định hướng trải nghiệm, trẻ là người tự khởi xướng, lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động. Đôi khi đó là các hoạt động đơn giản như đi bộ đến thư viện, chợ hoặc nông trại. Vào những lần khác, trẻ có thể đến thăm một chuyên gia địa phương trong một lĩnh vực, bảo tàng hoặc một doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực mình đang nghiên cứu. Bằng cách tăng quyền cho trẻ trong việc lãnh đạo các chuyến “đi thực tế” này, trẻ có cơ hội ứng dụng những kỹ năng xã hội như phép lịch thiệp và nhã nhặn, quản lý thời gian, lập ngân sách, định vị việc đi lại, v.v.
MONTESSORI CÓ PHÙ HỢP VỚI CON TÔI KHÔNG?
Để kết lại, chúng ta có thể thấy những khác biệt này là đáng kể. Khi cấu trúc trường học truyền thống do người lớn lãnh đạo đã trở thành tiêu chuẩn gần đây của chúng ta và các mô hình tiến bộ do trẻ em lãnh đạo bị coi là thiếu cấu trúc, thật khó để có thể tin được rằng phương pháp Montessori có thể cung cấp được cả hai – nhưng thực sự là như vậy!
Phương pháp Montessori tăng quyền cho mỗi học sinh bằng việc phát triển các kỹ năng sống rộng lớn hơn ngoài học thuật, đồng thời đặt nền tảng kiến thức sâu sắc là chìa khóa thành công. Cách tiếp cận cân bằng này có thể áp dụng tốt hơn cho lực lượng lao động, và nghiên cứu hiện thời đang chứng thực rằng học sinh tốt nghiệp trường Montessori có lợi thế hơn cả về mặt học thuật, xã hội và cảm xúc. Phương pháp Montessori được thành lập dựa trên việc đáp ứng cho từng trẻ tại thời điểm tiếp nhận, khiến nó trở thành phương pháp thích hợp với bất kỳ bạn nhỏ nào.
Tác giả: Jenna Wawrzyniec
Jenna là một nhà báo và nhà văn được đào tạo có hành trình nuôi dạy con cái đã được chuyển hoá sau khi áp dụng Montessori tại nhà với ba đứa con của cô. Cô là một người vận động cho việc ứng dụng phương pháp Montessori rộng rãi như một phương tiện để xây dựng cộng đồng, tăng quyền cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và trân trọng việc học tập như một hành trình suốt cuộc đời.
—
Bài viết được dịch từ webiste của Guidepost Montessori (Mỹ) – Đơn vị cung cấp và hỗ trợ chia sẻ chương trình học tập online cho học sinh tiểu học Maya School
Link bài viết gốc: https://www.guidepostmontessori.com/blog/montessori-elementary-vs-traditional-elementary?fbclid=IwAR1lENCRi-PCF47CpaG5yc-1Y4PkL3w38ZxGgws6MxcYZandt2DC4f_P0zM
———————————————————-
TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA
Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://maya.edu.vn/blog
Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour
Tư vấn tuyển sinh: 0971698228/ 0971588228
admissions@mayaschool.edu.vn
Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội