“Những Dấu Chân Nhỏ” là Triển Lãm Phát Triển Bền Vững thường niên của Maya, trưng bày sản phẩm và câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình mà học sinh Maya thực hiện các dự án thực tế hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc trong suốt năm học. Với thông điệp tích cực về hành động của thế hệ trẻ trước các vấn đề toàn cầu, sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, học sinh và các cơ quan truyền thông.
Tiếp nối sự thành công của các mùa trước, Triển Lãm Phát Triển Bền Vững “Những Dấu Chân Nhỏ” – Mùa 3 kể lại những câu chuyện xúc động và truyền cảm hứng về các dự án do học sinh THCS Maya tự khởi xướng và vận hành trong năm học 2023 – 2024, bao gồm:
|
Mời cha mẹ đọc bài viết trên VOV2 về Triển Lãm Phát Triển Bền Vững “Những Dấu Chân Nhỏ” mùa 3.
Link bài viết gốc tại: https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/hoc-sinh-the-hien-trach-nhiem-voi-cac-van-de-toan-cau-48463.vov2
[VOV2] – Từ ngày 18-21/5, Triển lãm phát triển bền vững “Những dấu chân nhỏ” – Mùa 3 do các em học sinh Trường Liên cấp song ngữ Maya khởi xướng và vận hành đã được tổ chức.
Trung tâm Văn hóa phố cổ, 22 Hàng Buồm, Hà Nội những ngày này thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh đến tham quan triển lãm “Những dấu chân nhỏ” – Mùa 3.
Triển lãm trưng bày sản phẩm và câu chuyện về hành trình mà học sinh thực hiện nhằm hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc trong suốt năm học. Đây cũng là mục tiêu của nhà trường nhằm trang bị cả kiến thức lẫn kỹ năng để học sinh phát triển toàn diện thông qua chương trình giáo dục học thuật và chương trình giáo dục thực tế.
Triển lãm giới thiệu các dự án như “Thiết kế hệ vận động ngoài trời cho trẻ em mầm non vùng khó”; Nghiên cứu, ứng dụng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời”; “Thiết kế hệ thuỷ canh trồng rau ăn sống trong nhà”; “Sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc Việt Nam”; “Sản xuất đồ vải bằng phương pháp nhuộm chàm”; “Xuất bản cẩm nang hướng dẫn nấu ăn theo mùa”… Đây đều là thành quả suốt một năm học của các em học sinh tại các xưởng thực hành. Đồng thời, truyền đi thông điệp về ý thức và hành động mạnh mẽ của thế hệ trẻ khi đứng trước các vấn đề toàn cầu.
Bên cạnh khu trưng bày các dự án phát triển bền vững, khách tham gia triển lãm có thể tham gia trải nghiệm các workshop sáng tạo do chính học sinh THCS Maya hướng dẫn như: Workshop Vẽ trang trí hoa văn các dân tộc Việt Nam, Workshop Làm đồ dùng từ vải nhuộm chàm, Workshop Làm đồ chơi gỗ & đồ chơi chuyển động, Workshop Thu hoạch rau thuỷ canh, Workshop Làm nem truyền thống.
Điểm mới của Triển lãm phát triển bền vững “Những dấu chân nhỏ” – Mùa 3 là khu trưng bày dự án học thuật liên môn của học sinh cấp Tiểu học Maya với chủ đề chung về “Nghiên cứu văn hoá các châu lục”. Những mô hình đầy màu sắc, những ghi chép và thông tin thú vị xoay quanh những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc trên khắp thế giới là thành quả nghiên cứu của các bạn nhỏ Maya trong suốt năm học qua.
Thuyết trình cùng các bạn trong nhóm dự án “Sản xuất đồ vải bằng phương pháp nhuộm chàm”, em Nguyễn Hữu Duy, học sinh Trường Liên cấp song ngữ Maya cho biết, ngay từ đầu năm học trường em có đơn hàng làm những tấm khăn trải bàn, làm logo của trường với những thiết kế liên quan đến hình ảnh trường Maya. Nghiên cứu nhiều cách nhuộm khác nhau, cuối cùng nhóm Duy chọn phương pháp nhuộm chàm. “Tụi em nghiên cứu nhiều cứu và làm trên 70 thùng chàm. Điều đặc biệt là phương pháp nhuộm tự nhiên phù hợp với tiêu chí phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”.
Thành quả lao động gom nhặt từ những chuyến trải nghiệm thực tế, học hỏi phương pháp nhuộm từ các chuyên gia. Tụi em nghiên cứu và lên trên vùng dân tộc đi tham khảo cách nhuộm của người Mông để tạo ra những công thức tạo ra các thùng nhuộm”, Duy nói.
Quá trình tạo ra những sản phẩm từ vải nhuộm chàm không hề dễ dàng nhưng bù lại, học sinh rèn được tính kiên trì, chịu khó và không bỏ cuộc. Nguyễn Mạnh Tú, học sinh Trường Liên cấp song ngữ Maya chia sẻ, đã có lúc các thành viên trong nhóm nghĩ sẽ chậm đơn hàng và không kịp trưng bày ở triển lãm. “Tụi em cố gắng tạo một thùng chàm với các chuyên gia nhưng các thùng đấy không hoạt động ổn, khiến việc nhuộm bị trì hoãn. May mắn nhờ nhờ sự giúp đỡ của một bên xưởng khác là xưởng Đu Đủ của chú Minh Giang đã giúp chúng em có những sản phẩm nhuộm với thùng chàm vi sinh thực sự khỏe và lên màu thực sự đẹp”.
Còn không gian trưng bày dự án “Sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc Việt Nam” của học sinh Xưởng Mỹ thuật LEA lại khiến người xem trầm trồ về độ hoành tráng của những bức tượng, các sản phẩm điêu khắc đồ sộ. Nếu không được giới thiệu, ít người nghĩ rằng đây là những tác phẩm của học sinh. Nguyễn Đông Phong, học sinh lớp 7 tỏ ra hào hứng vì phải mất cả năm học mới nhìn thấy thành quả lao động của nhóm được trưng bày ở Trung tâm triển lãm Phố Cổ. “Chúng em được mài, khoan và được cung cấp cả gỗ để làm các sản phẩm. Điều thú vị là lần đầu tiên chúng con được làm việc với vàng thật và bạc thật”.
Chị Đặng Thu Trang, chủ xưởng và chuyên gia may thêu đan tại xưởng thủ công Mỡ, Trường tiểu học và THCS Maya cho biết, khi tổ chức hệ thống xưởng thực hành, nhà trường mong muốn học sinh có cái nhìn bao quát và được trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp.
“Bản thân các bạn vào xưởng không nhất thiết biết may nhưng vẫn có một chỗ đứng trong dự án. Cũng giống việc khi con thích nghề nào đấy nhưng điểm mạnh của con có thể là thiết kế, sản xuất hay tài chính…Khi tìm ra điểm mạnh các con sẽ vững vàng hơn sau này và có cái nhìn rõ hơn về bản thân”.
Mô hình hoạt động của các xưởng thực hành tại Trường liên cấp song ngữ Maya tạo ra cơ hội để học sinh tìm hiểu nghề nghiệp từ sớm. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thủy, sau khi tập hợp nhân sự, các em sẽ triển khai dự án theo 4 bước gồm: nghiên cứu thị trường và lập mục tiêu; xây dựng kế hoạch; sản xuất và giám sát và đánh giá lại quá trình hoàn thành công việc.
“Sản phẩm các em tạo ra có thể đóng góp cho mọi người, truyền cảm hứng về sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm. Mình thực sự xúc động khi các em nghĩ đến cộng đồng, đến thế giới mà các em mong muốn tốt đẹp hơn. Đó cũng là động lực sâu xa để các em vượt qua khó khăn. Đồng thời quá trình lao động các em học được nhiều kỹ năng từ học, làm việc, rèn luyện được tác phong lao động chuyên nghiệp. Chúng tôi tin học sinh trải qua nhiều mùa dự án sẽ sẵn sàng cho thế giới thực tiễn”, cô Nguyễn Thị Thủy chia sẻ./.