Trong chương trình giáo dục thực hành tại Maya, mỗi năm học, học sinh THCS được trực tiếp tham gia vận hành 01 dự án học tập thực tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn 1 trong 7 xưởng thực hành đại diện cho các nhóm ngành trọng điểm để giải quyết 1 vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể.
Việc tự xây dựng và vận hành một dự án thực tế giúp các bạn học sinh phát triển toàn diện các kiến thức và kỹ năng nằm trong bộ 16 Kỹ năng Thế Kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. |
THÔNG TIN CHUNG
Trong năm học 2023 – 2024, dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại xưởng Lá Mây Farm là “Thiết kế hệ thuỷ canh trồng rau ăn sống trong nhà”. Trong đó, dự án tập trung nghiên cứu cải tiến hệ thuỷ canh dễ ứng dụng và chuyển giao cho các hộ gia đình để cải thiện chất lượng nguồn thực phẩm.
Mục đích mà dự án hướng tới bao gồm:
- Mục đích cộng đồng: Tạo ra mô hình thuỷ canh bền vững, hiệu quả, an toàn, nhằm cung cấp thực phẩm sạch, tiết kiệm nước, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác rau.
- Mục đích giáo dục: giúp học sinh học các kỹ năng như nghiên cứu khoa học (bố trí thí nghiệm, phân tích, tổng hợp số liệu), tư duy logic để rút ra kết quả, quy trình từ những thông tin nghiên cứu. Ngoài ra, dự án cũng rèn luyện các kỹ năng mềm trong bộ 16 Kỹ năng của Thế kỹ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cộng tác, kỹ năng phản biện và giải quyết vấn đề, sự bền bỉ và sáng kiến
Nhóm dự án tại xưởng Lá Mây Farm gồm 6 bạn học sinh THCS Maya từ lớp 6 đến lớp 9:
- Trương Thị An Khanh – Học sinh lớp 8
- Hoàng Nguyễn Hải Nam – Học sinh lớp 7
- Nguyễn Tất Nam – Học sinh lớp 9
- Nguyễn Hải Anh – Học sinh lớp 6
- Đặng Nguyễn Lâm Bách – Học sinh lớp 6
- Hoàng Nhật Minh – Học sinh lớp 6
với sự đồng hành của thầy giáo:
- Thầy Lê Xuân Doanh – Chuyên gia nông nghiệp tại Lá Mây Farm
- Thầy Nguyễn Tuấn Đức – Admin dự án
TIẾN TRÌNH DỰ ÁN
Các dự án học tập thực tế của các xưởng thực hành của Maya đều đi theo tiến trình các giai đoạn:
- Xác định và phân tích vấn đề
- Thiết kế và lập kế hoạch
- Thực hiện
- Đánh giá
Xác định và phân tích vấn đề
Dự án học tập thực tế của học sinh THCS tại xưởng Lá Mây Farm xuất phát từ nhiệm vụ giải quyết một vấn đề nổi cộm tại địa phương: Người dân tại xã Tiến Xuân thường xuyên mua và sử dụng rau củ quả không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Từ đó, các bạn học sinh và thầy cô tổ chức các buổi Brainstorm để cùng phân tích vấn đề và xác định các hướng giải quyết. Dưới đây là Cây vấn đề mà nhóm dự án đã xây dựng:
Theo đó, nguyên nhân của việc các hộ gia đình ở địa phương sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc được các bạn đưa ra là:
- Chợ địa phương tại Tiến Xuân cung cấp nguồn rau củ không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ do nhập từ các chợ đầu mối khó kiểm soát và tâm lý muốn nhập hàng với giá thấp
- Địa phương chưa có cửa hàng bán rau củ quả sạch rõ nguồn gốc do không có nguồn cung và giá nhập cao
- Người dân địa phương không có thói quen tự trồng rau củ quả do nhiều nguyên nhân như không có tài nguyên, không có kiến thức, có thể dễ dàng mua tại các chợ, không ý thức được tầm quan trọng và hậu quả của sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không muốn trồng vì tốn công mà hiệu quả kinh tế không cao
Từ việc phân tích vấn đề, nhóm dự án xây dựng Cây viễn cảnh, theo đó đặt ra giả thiết: Nếu các hộ gia đình tại Tiến Xuân sử dụng rau củ quả sạch, rõ nguồn gốc thì điều này sẽ đến từ đâu? Theo đó, các hướng được đưa ra:
- Nguồn cung rau củ quả sạch sẵn có tại chợ địa phương: Để tạo ra viễn cảnh này, cần tác động đến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương trong chợ. Điều này rất khó thực hiện vì liên quan đến vấn đề mưu sinh của tiểu thương; dự án cũng không thể mở một cửa hàng rau củ sạch vì chi phí cao và không có nguồn lực kinh doanh lâu dài
- Người dân tự trồng và tiêu thụ rau củ quả. Điều này đòi hỏi phải tìm ra một phương án trồng rau củ quả sạch, đơn giản và phù hợp rồi lan tỏa đến địa phương. Đây được cho là phương án khả thi và phù hợp với nguồn lực của dự án nhất.
Từ đó, nhóm tiếp tục phân tích hướng làm để giúp người dân Tiến Xuân có thể tự trồng rau sạch tại nhà, bao gồm:
- Tìm ra một mô hình trồng rau đơn giản, ít tốn diện tích, thời gian, công sức và phù hợp với điều kiện của người dân địa phương
- Truyền thông về phương pháp và hướng dẫn tự trồng rau củ quả sạch tại nhà thông qua việc xuất bản và phân phối các video và tài liệu
Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu về một phương pháp trồng rau đơn giản, ít tốn không gian, thời gian, tiết kiệm nguồn nước, đất, và an toàn để sử dụng, nhóm dự án quan tâm và tìm hiểu về phương pháp Aquaponic. Đây là phương pháp kết hợp nuôi cá và trồng rau, sử dụng hệ thống tuần hoàn: Nước từ bể cá mang theo nguồn dinh dưỡng mà cá thải ra đi lên hệ cây, cây hấp thụ dinh dưỡng rồi trả lại nước sạch nuôi cá.
Trong quá trình này, lượng nước mất đi rất ít so với các phương pháp canh tác rau thông thường, đồng thời lại tiết kiệm tài nguyên đất vì không tốn nhiều diện tích trồng trọt. Yếu tố này quan trọng bởi nhóm học sinh xét đến thực trạng tại địa phương rằng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm người dân bước vào mùa khô hạn nên lượng nước trở nên khan hiếm, và diện tích sử dụng đất đai để trồng trọt cũng không nhiều. Ngoài ra, vì sử dụng hệ thống tuần hoàn trong đó cây sinh trưởng nhờ dinh dưỡng cá thải ra nên không cần bổ sung phân hóa học, các chất sinh trưởng. Từ đó, rau sạch và quá trình trồng cũng không ảnh hưởng đến môi trường.
Để phát triển mô hình này, nhóm dự án cũng phải thực hiện quá trình Nghiên cứu phát triển quy trình, bao gồm quy trình nuôi cá và trồng rau, và Nghiên cứu phát triển Mô hình, bao gồm vẽ bản vẽ mô hình Aquaponic trong nhà và ngoài trời dưới sự hỗ trợ của thầy Doanh.
Trong giai đoạn I của dự án, nhóm học sinh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phân tích và tìm ra phương án vừa phù hợp với năng lực của bản thân, nguồn lực của xưởng, cơ sở vật chất và tiềm lực kinh tế, vừa phải thiết thực, bền vững và có ý nghĩa với cộng đồng. Vì vậy, để thống nhất được phương án thỏa mãn các yêu cầu đề ra, nhóm dự án đã phải nghiên cứu, thảo luận trong suốt hơn 1 tháng.
Cũng qua quá trình này, các bạn học sinh đã học được cách tư duy logic, cách phân tích vấn đề một cách thực tế, đánh giá năng lực và nguồn lực của mình để bước đầu tìm ra phương án khả thi và tối ưu nhất.
Thiết kế và Lập kế hoạch
Sau khi đã xác định được hướng đi cho dự án của mình, nhóm học sinh lại đối mặt với thử thách về việc chưa có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực Aquaponic. Để giải quyết, các thầy tại xưởng Lá Mây Farm đã tổ chức các chuyến đi thực địa (Outing) để nhóm quan sát, học hỏi và thu thập các thông tin cần thiết. Trước mỗi buổi Outing, nhóm tổ chức các buổi thảo luận để cùng nhau lên kịch bản thực địa, xây dựng bảng hỏi và phân công rõ các đầu việc như phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, quay chụp.
Chuyến thực địa đầu tiên diễn ra tại một cơ sở vật liệu về thủy canh. Học sinh được gặp gỡ với chú chuyên gia về thủy canh để phỏng vấn về kinh nghiệm thi công Aquaponic, đặc điểm và chi phí của các loại vật tư để cân đối chi phí và tiến hành đặt hàng các vật tư phục vụ cho thử nghiệm. Các bạn cũng mang theo bản vẽ sơ lược để xin góp ý của chú chuyên gia cho dự án của mình.
Ở chuyến thực địa thứ hai, nhóm học sinh được thăm một trang trại thủy canh và lắng nghe chuyên gia hướng dẫn cách vận hành, trồng, pha dinh dưỡng và được trải nghiệm thu hoạch rau ngay tại vườn. Chuyến đi không chỉ giúp các bạn có thêm kiến thức thực tế về trồng thủy canh mà còn tiếp thêm động lực nhờ được trực tiếp quan sát hệ thống vận hành cho ra kết quả tốt trên thực tế.
Trở về từ các chuyến thực địa, nhóm dự án cùng nhau tổng hợp lại các kiến thức thu được qua báo cáo thực địa, rồi xây dựng hệ thống bản vẽ và quy trình nghiên cứu cụ thể. Với sự hỗ trợ của thầy Doanh, nhóm cùng nhau xây dựng và vận hành thử nghiệm một hệ thống Aquaponic nhỏ trong nhà.
Từ những thành quả bước đầu mà nhóm có được, các bạn học sinh bắt tay vào xây dựng hồ sơ xin vốn từ nhà trường và xin hỗ trợ từ phòng Truyền thông. Để chuẩn bị tư liệu xin tài trợ, nhóm bắt đầu từ việc xác định và phân tích đối tượng từ những câu hỏi:
- Đối tượng xin vốn là ai? Cá nhân hay tập thể?
- Họ có hứng thú với dự án và sẵn sàng cung cấp vốn cho dự án không?
- Thói quen, lĩnh vực quan tâm và tiềm lực kinh tế của họ như thế nào?
- Nhu cầu của họ có khớp với những điều mà dự án mang đến không?
Từ đó nhóm xây dựng chiến lược gọi vốn, tự làm các tài liệu, slide trình chiếu gồm nội dung được cá nhân hóa để nâng cao khả năng thành công khi xin vốn. Song song với đó, các bạn cũng luyện tập thuyết trình và phản biện. Đặc biệt, việc phải tự phản biện lại những ý tưởng của chính mình cũng là một thử thách không nhỏ đối với nhóm. Các bạn phải tự đặt mình vào vị trí của người tài trợ để thấu hiểu những băn khoăn, từ đó có một kịch bản phản hồi chặt chẽ với các luận điểm thuyết phục.
Ở giai đoạn này, các bạn học sinh được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, lập kế hoạch, phân chia công việc, tư duy phản biện và tự phản biện, thuyết trình và quản lý thời gian.
Thực hiện
Gọi vốn trước đại diện nhà trường
Tháng 12/2023, nhóm dự án tại Xưởng Lá Mây đã tổ chức buổi gọi vốn trước cô Phạm Hoài Thu – Đại diện Ban Giám hiệu và một số thầy cô giáo tại trường Maya. Trong buổi này, các thành viên đã thay phiên trình bày về mục tiêu, quá trình và những kế hoạch tiếp theo để đưa hệ Aquaponic đến gần hơn với các hộ gia đình, và kêu gọi nhà trường hỗ trợ chi phí cho giai đoạn học kỳ II của dự án.
Sau khi lắng nghe nhóm trình bày, cô Hoài Thu đồng ý ủng hộ cho dự án với mức tài trợ như nhóm đã đề xuất. Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ mong muốn rằng trong giai đoạn tới, dự án sẽ cho thấy những giá trị rõ ràng cho cộng đồng, và các thành viên đều được trau dồi nhiều hơn những kiến thức và kỹ năng bổ ích sau dự án.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu
Tại buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I, nhóm dự án đã trưng bày mẫu hệ thống Aquaponic hoàn chỉnh và thuyết trình trước cha mẹ và thầy cô về nửa đầu hành trình dự án của mình, cùng với những ấp ủ trong giai đoạn sau của dự án.
Trong buổi này, các thành viên nhận thấy một thực tế rằng có rất nhiều người lớn, bao gồm các ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo, đều quan tâm đến cách vận hành của hệ thống trồng rau sạch này và có mong muốn ứng dụng trong gia đình. Đa số đều đến từ các gia đình sinh sống tại thành phố – nơi diện tích trồng rau bị giới hạn trong sân vườn nhỏ hoặc căn hộ.
Xét thấy nhu cầu lớn từ phía các hộ gia đình thành thị, nhóm dự án quyết định chuyển đối tượng từ các hộ nông tại Thạch Thất sang người dân sinh sống trong thành phố. Sự thay đổi về đối tượng mục tiêu kéo theo sự thay đổi về công nghệ để phù hợp với lối sống và đặc điểm sinh hoạt. Theo đó, vì diện tích nhà ở tại đô thị không lớn nên hệ trồng rau phải có kích thước gọn gàng, không cần chăm sóc nhiều mà vẫn có thể cho ra các loại rau ăn lá và rau gia vị.
Từ đó, nhóm dự án điều chỉnh phương án ban đầu: thay vì áp dụng mô hình thuỷ canh – nuôi cá Aquaponic, nhóm chuyển sang dạng mô hình thuỷ canh, sử dụng dung dịch thuỷ canh để tạo dinh dưỡng nuôi rau thay vì nuôi cá trong bể. Phương án này được coi là tối ưu, vừa đáp ứng được tốt nhu cầu của đối tượng tiềm năng, vừa phù hợp với năng lực của xưởng.
Xây dựng hệ thuỷ canh và văn bản chuyển giao
Dựa vào mô hình Aquaponic trong nhà đã xây dựng thành công trong học kỳ I, nhóm dự án điều chỉnh lại để hoàn thành hệ thống thuỷ canh mới, thay bể cá bằng bể dung dịch thuỷ canh. Theo đó, nhóm thống nhất làm 2 hệ thuỷ canh mẫu với cùng cơ chế nhưng khác nhau về thiết kế:
- Hệ nhỏ: có đèn, thiết kế gọn gàng phù hợp với không gian nhỏ, hẹp, ít ánh sáng mặt trời
- Hệ lớn: thiết kế rộng hơn, các ống được sắp xếp hợp lý và có thể đặt trong không gian rộng hơn
Song song với đó, các bạn cũng nghiên cứu một số điều kiện phát triển của một số loại cây ăn lá và gia vị như nồng độ dinh dưỡng trong nước, điều kiện ánh sáng,… để tạo môi trường tối ưu cho cây rau phát triển.
Về văn bản chuyển giao, nhóm thống nhất xây dựng bộ tài liệu chi tiết bao gồm 2 nội dung:
- Bản vẽ kỹ thuật kèm danh mục vật tư
- Quy trình trồng rau thuỷ canh và vận hành hệ thuỷ canh
Văn bản này sẽ được phân phối rộng rãi đến các gia đình có nhu cầu áp dụng mô hình này để trồng rau sạch. Bên cạnh đó, nhóm dự án sẽ hỗ trợ miễn phí chuyển giao mô hình, bao gồm khảo sát nhu cầu thực trạng, tư vấn giải pháp, mua vật tư, lắp đặt và bảo trì, cho ít nhất 1 hộ gia đình vào cuối dự án.
Hướng đi này đã nhận được sự đồng ý của nhà tài trợ.
Chuyển giao mô hình thuỷ canh
Từ quá trình quan sát, trò chuyện với những người quan tâm đến hệ thuỷ canh, nhóm dự án bắt tay vào xây dựng chân dung cụ thể về đối tượng tiềm năng. Các bạn rút ra những đặc điểm cơ bản bao gồm:
- Thành viên trong gia đình sinh sống trong các khu vực tại Hà Nội
- Có nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc
- Thường xuyên ăn rau sống, rau gia vị và rau ăn lá
- Có thu nhập khá, sẵn sàng chi trả cho một hệ thống cung cấp rau sạch cho gia đình
Từ buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I, nhóm dự án cũng đã lưu lại thông tin liên hệ của các gia đình quan tâm đến hệ thuỷ canh mà dự án đang theo đuổi. Đây là lúc các bạn chủ động liên lạc lại với nhóm đối tượng này để giới thiệu lại về dự án, khảo sát nhu cầu lắp đặt hệ thuỷ canh tại nhà và đề nghị hỗ trợ chuyển giao.
Tháng 4/2024, nhóm đã tiến hành tư vấn và lắp đặt thành công hệ thuỷ canh cho gia đình một cô giáo tại Maya. Sau khi thực hiện phỏng vấn khảo sát, các bạn xác định mong muốn của đối tượng là lắp đặt một hệ thuỷ canh trồng rau sạch ở khu vực ban công. Từ nhu cầu và các số liệu về diện tích, ánh sáng thu thập được, nhóm bắt đầu thiết kế giải pháp cá nhân hoá sao cho phù hợp nhất và điều chỉnh theo nguyện vọng thực tế của đối tượng.
Tận dụng thời gian nghỉ lễ vào cuối tháng 4, các thành viên đã đặt mua nguyên liệu, vật tư và tăng ca để tiến hành lắp đặt trực tiếp tại nhà cô giáo.
“Sau 1 tuần lắp giàn trồng rau thuỷ canh thì rau đã lớn và gia đình sắp thu hoạch mớ rau sạch lành đầu tiên. Cảm ơn nhóm dự án xưởng Lá Mây nhiều. Liệu pháp chữa lành của mình bây giờ là sáng sớm lên ngắm giàn rau đó thầy cô ạ” – Cô giáo chia sẻ sau khi được nhóm dự án hỗ trợ lắp đặt giàn thuỷ canh trên ban công nhà.
Sau 2 tuần kể từ ngày lắp đặt, nhóm quay trở lại nhà cô giáo để đánh giá lại chất lượng vận hành của hệ thuỷ canh và đưa các tư vấn thêm dựa trên nhu cầu của gia đình. Theo đánh giá, hệ thuỷ canh hoạt động ổn định, các loại rau hấp thụ đủ dinh dưỡng đã có thể thu hoạch và tiếp tục trồng các lứa sau.
Hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao đến các gia đình có nhu cầu
Trong tuần đầu tháng 5, nhóm dự án hoàn thành bộ tài liệu bản vẽ kỹ thuật cùng hướng dẫn vận hành, lắp đặt hệ thuỷ canh trồng rau ăn sống trong nhà. Sau khi bộ này hoàn thành, nhóm đã gửi email đến các hộ gia đình nằm trong danh sách đối tượng tiềm năng quan tâm đến dự án, với hy vọng rằng các gia đình có thể ứng dụng sau này.
Tại Triển Lãm Phát Triển Bền Vững “Những Dấu Chân Nhỏ” – Mùa 3 diễn ra vào cuối năm học, nhóm dự án đã tự tin giới thiệu mô hình trồng rau thuỷ canh và thuyết trình về hành trình dự án mà các bạn đã nỗ lực và bền bỉ thực hiện suốt năm học qua.
NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ BÀI HỌC
Xuyên suốt dự án, nhóm học sinh đóng vai trò là người vận hành chính, được trao quyền quyết định và tự tay thực hiện các công việc mà mình đề ra. Đồng hành cùng các bạn là các thầy giáo trong xưởng. Thay vì “cầm tay chỉ việc” và làm hộ mỗi khi dự án gặp vướng mắc, các thầy chỉ định hướng, hỗ trợ và cung cấp những kiến thức, công cụ mà các bạn cần để tiến hành kế hoạch của mình. Điều này cho phép các bạn chủ động làm việc, tự phát triển khả năng giải quyết vấn đề và có ý thức trách nhiệm đối với mọi quyết định của mình.
Đối với dự án “Thiết kế hệ thuỷ canh trồng rau ăn sống trong nhà” nói riêng và các dự án học tập thực tế về nông nghiệp của xưởng Lá Mây Farm tại trường Maya nói chung, học sinh luôn được học qua những trải nghiệm thực tế. Các kiến thức về nông nghiệp vốn xa xôi trên sách vở, lại trở nên gần gũi và dễ tiếp cận khi học sinh được thực hành ngay trên nông trại, với đất, nước, và các công cụ có sẵn.
“Học” luôn đi đôi với “Làm”, vì vậy học sinh dễ dàng hiểu khái niệm, ghi nhớ tốt hơn và hứng thú với bài học hơn. Theo thầy Doanh, việc tiếp xúc với nông nghiệp từ những năm tháng học sinh thông qua các dự án thực tế cũng giúp các bạn biết quý trọng thực phẩm và công sức của những người nông dân, và biết ơn cuộc sống hơn.
Dự án đã đi được nửa con đường, học sinh đã đối mặt và tự vượt qua nhiều thử thách không hề dễ dàng với lứa tuổi. Nhóm không chỉ phát triển được ý thức sâu sắc và tốt đẹp về phát triển bền vững và tạo nên tác động tích cực cho cộng đồng, mà ở phương diện cá nhân, các bạn cũng đã học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quý giá như lập kế hoạch, vận hành dự án, giao tiếp, phối hợp, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sự kiên trì, bền bỉ,…
Cũng có những bài học dạy cho các bạn cách xử lý đúng đắn với những tình huống diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Theo thầy Doanh kể lại, vào chuyến thực địa đến nông trại thủy canh, một nhóm bạn học sinh vì hiếu động nên đã không may làm hỏng một chậu cây. Trước tình huống đó, mặc dù rất bối rối, nhóm đã chủ động xin lỗi chân thành với chú chủ nông trại, không hề đổ lỗi hay trốn tránh. Đó chỉ là một trong số những bài học về thái độ và cách ứng xử khi mắc sai lầm khiến thầy giáo rất ấn tượng khi đồng hành cùng các bạn trong dự án này.
Mặt khác, việc vận hành dự án cũng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhân sự tham gia. Với các thành viên thuộc nhiều độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 9, sự khác nhau trong kinh nghiệm và cách suy nghĩ là không thể tránh khỏi. Đó cũng là lúc nhóm học về sự dung hòa, phân công công việc theo năng lực và thế mạnh. Các anh chị lớn hơn sẽ đóng vai trò điều phối và quyết định, trong khi các em nhỏ có thể giúp đỡ những công việc nhỏ hơn. Như vậy, nhóm có thể vận hành trơn tru, mỗi thành viên đều có vai trò cụ thể và cảm thấy những đóng góp của mình là có ích.
Khi được hỏi về điều tự hào nhất về học sinh của mình trong dự án lần này, thầy Doanh chia sẻ: “Mình rất vui vì các bạn đều rất nghiêm túc với công việc. Ở lứa tuổi này, việc có thể ngồi tập trung suy nghĩ và nghiên cứu về một dự án khoa học là rất khó, nhưng các bạn khiến mình rất bất ngờ vì thái độ làm việc rất tốt, cùng nhau lên kế hoạch, phân tích và nghiên cứu mà không cần các thầy phải nhắc nhở”.
——-
TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA
Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://www.facebook.com/maya.school
Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour
Tư vấn tuyển sinh: 0971508228
Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội