Năm học 2022 – 2023, chủ đề lớn của các xưởng thực hành tại Maya School là “Thúc đẩy nhận thức về văn hóa địa phương và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương”.
Tại Xưởng may thêu đan Mỡ, cho đến tháng 01/2023, các bạn học sinh đã hoàn thành chặng 1 của dự án với chủ đề “Bảo tồn kỹ thuật làm Gối Mặt Huyệt truyền thống” hướng đến mục tiêu lan tỏa văn hóa địa phương thông qua hoạt động truyền thông xã hội. Không dừng lại ở đó, nhóm dự án đã quyết tâm thực hiện giai đoạn 2 với chủ đề Ứng dụng kỹ thuật làm gối mặt huyệt truyền thống để tạo nên những sản phẩm vải gần gũi trong đời sống.
BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG TRĂN TRỞ
Học kỳ I năm học 2022 – 2023 khép lại là lúc dự án truyền thông về bảo tồn kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường kết thúc. Nhiệm vụ “thúc đẩy nhận thức văn hóa” đã hoàn thành nhưng mục tiêu “hỗ trợ phát triển kinh tế cho địa phương” vẫn còn dang dở. Các bạn học sinh đã cùng nhau ngồi lại để bắt đầu giai đoạn thứ hai của dự án với mong muốn đưa phương pháp may thêu độc đáo từ chiếc gối mặt huyệt vào các đồ dùng vải phổ biến trong đời sống. Theo đó, những doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến văn hóa Mường có thể sản xuất sản phẩm dựa theo bản thiết kế kỹ thuật mà nhóm biên soạn, từ đó vừa giúp lan rộng nét đẹp văn hóa, vừa đem đến cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương.
Theo chia sẻ của bạn Hồng Anh – học sinh lớp 8A – một thành viên tham gia dự án, ý tưởng này cũng xuất phát từ sự tri ân của nhóm dành cho gia đình bà Lợi – những người Mường địa phương chất phác đã tận tình hướng dẫn các bạn tạo nên chiếc gối độc đáo này. Chứng kiến niềm vui và sự tự hào trên gương mặt những người cao tuổi khi chia sẻ cho thế hệ trẻ một nét văn hóa tưởng như đang dần mai một, các bạn học sinh càng mong muốn có thể làm nên một dự án thật ý nghĩa và có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
LÊN KẾ HOẠCH
Kế hoạch tổng quan
Với kinh nghiệm đã tích lũy được trong chặng đầu tiên của dự án, nhóm học sinh không mất quá nhiều thời gian để xác định hướng đi và kế hoạch triển khai chung:
- Tạo một danh sách các công việc và hoạt động cụ thể
- Ước lượng thời gian hoàn thành từng đầu việc
- Xây dựng một sơ đồ Timeline cho cả dự án để theo dõi tiến độ
Phân tích và xác định sản phẩm
Nhờ trải nghiệm làm gối mặt huyệt và tiếp xúc với người Mường địa phương trong chặng 1 dự án, nhóm học sinh đã rút ra được các điểm đặc trưng trong chiếc gối truyền thống này: từ khâu, thêu, bọc vải và nhồi lá mạ non cho đến những hoa văn rực rỡ mang đậm tính văn hóa.
Với sự giúp đỡ của cô giáo tại Xưởng may thêu đan Mỡ, nhóm cùng nhau thảo luận và phân tích để từ đó đưa ra ý tưởng về các sản phẩm có thể ứng dụng các kĩ thuật này. Rất nhiều sáng kiến được đưa ra như đệm ngồi, ấm giỏ, gối thảo mộc,… Dựa vào điều kiện sản xuất và độ phù hợp với nhu cầu thị trường, các bạn thống nhất triển khai các sản phẩm:
- Khay đựng đồ ăn ngày Tết
- Hộp giấy ăn
- Ấm giỏ để giữ ấm ấm trà
Đây đều là những đồ dùng có tính ứng dụng cao trong mỗi gia đình Việt, mang giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm cấu tạo phù hợp để ứng dụng những kĩ thuật đặc trưng mà người Mường sử dụng trong chiếc gối mặt huyệt.
THỰC HIỆN
Nghiên cứu sản phẩm
Tạo nên một sản phẩm dễ dùng và phù hợp với nhu cầu của số đông đòi hỏi phải có sự tính toán cẩn thận. Nhóm dự án phải dành thời gian quan sát từng loại sản phẩm đang được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng, từ đó tổng hợp các thông tin gồm:
- Tính đa dạng: các mẫu giấy ăn, ấm trà nào đang được tiêu thụ nhiều trên thị trường
- Kích thước và đặc điểm riêng của từng loại sản phẩm
Từ những số liệu thu được, nhóm cùng nhau phân tích để tìm ra kích thước tối ưu và lựa chọn loại nguyên vật liệu phù hợp nhất.
Thiết kế sản phẩm
Dựa vào các số liệu đã thống nhất, nhóm dự án bắt tay phân tích mặt cắt, hình chiếu và chốt thiết kế mặt huyệt của sản phẩm, sau đó tự tay vẽ lại bản thiết kế 2D dưới sự quan sát và hướng dẫn của cô giáo.
Sau khi thiết kế 2D hoàn thành và đạt tiêu chuẩn, các bạn tiếp tục dựng mô hình 3D dựa trên các tỉ lệ đã tính toán. Công việc này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn cần tính kiên nhẫn, cẩn thận, sự tập trung và tính toán khoa học bởi chỉ một sai sót nhỏ, rất có thể mọi công đoạn phải làm lại thủ công từ đầu. Thế nhưng, hành trình ấy vẫn tràn đầy niềm vui và những bài học lý thú.
“Nhờ việc vẽ nắp giỏ mà tôi nhớ lại cách vẽ hình lục giác, hình mười hai cạnh. Nhờ việc nhìn phần mặt huyệt chằng chịt hoa văn của hộp đựng giấy ăn mà tôi nhớ lại định lý Pytago, tự giải trí bằng cách tính diện tích một hình tam giác trong đó” – theo nhật ký chia sẻ của Hồng Anh – Lớp 8A – một thành viên của dự án.
Những sản phẩm ra đời
Làm nên một sản phẩm thủ công không phải công việc dễ dàng, nhất là khi phải ứng dụng những kỹ thuật mới. Ngay từ khâu xử lý nguyên liệu đã đòi hỏi không ít sự tỉ mỉ, từ cắt vải theo đúng kích thước cho đến chẻ hóp, cắt bẹ tre.
Mất nhiều thời gian nhất vẫn là công đoạn thêu, bọc, ráp đòi hỏi sự tập trung cao độ. Từng hoa văn, từng miếng mặt huyệt, mỗi chi tiết bọc vải đều phải thực hiện bằng tay hoàn toàn. Không giống như các loại gối thông thường khác, kĩ thuật làm gối mặt huyệt có những đặc trưng riêng như bọc vải quanh bẹ tre rồi khâu ráp vào các thanh hóp, hay nhồi lá mạ non vào một lớp vỏ gối sao cho thật vững chắc mà vẫn êm ái, vì vậy nên độ phức tạp cũng cao hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Có trải nghiệm quá trình ấy mới thấu hiểu những khó khăn và tâm huyết của người nghệ nhân khi tạo nên những sản phẩm thủ công, để rồi thêm trân trọng và yêu quý giá trị của chúng.
“Ngày đầu tiên bắt tay vào thêu hoa văn cho chiếc gối, tôi nhớ là mình đã “trầm cảm” luôn khi thêu tổng cổng 162 miếng mặt huyệt và bọc vải hết 50 miếng một mình. Còn giờ đây, tôi có thể thêu và bọc nhiều như thế mà không sao hết. Tất nhiên, tôi vẫn rất sợ thêu, nhưng không phải vì phải thêu số lượng lớn, mà là vì tôi từng gặp một vấn đề nho nhỏ trong lúc đang thêu, nhưng sau đấy tôi vẫn cố gắng làm việc bình thường, vì nhận ra nó cũng không phải một vấn đề quá lớn” – theo nhật ký ghi lại của bạn Minh An – Lớp 6A – thành viên dự án.
Những sản phẩm mẫu ra đời hoàn chỉnh sau nhiều lần chỉnh sửa từ thiết kế, kích thước cho đến các chi tiết. Vuông vắn, rực rỡ, chắc chắn, và trên hết, chúng chứa đựng biết bao giọt mồ hôi và tâm huyết mà các bạn nhỏ đặt vào.
Hồ sơ thiết kế
Bám sát với mục tiêu được đặt ra từ đầu, nhóm dự án xây dựng bộ tài nguyên hướng dẫn chi tiết cách làm các sản phẩm theo kĩ thuật làm gối mặt huyệt truyền thống:
- Khay vải
- Hộp đựng giấy ăn
- Ấm giỏ vải
Bộ tài liệu chứa đầy đủ các bản vẽ thiết kế, hình ảnh sản phẩm, mô tả ứng dụng, mẫu rập, các bước sản xuất, cùng giá trị văn hóa mà chúng truyền tải. Thật mong tài nguyên quý giá này có thể được chuyển giao cho thật nhiều tổ chức trong xã hội, góp phần đưa những nét đẹp địa phương vào thực tế đời sống và nuôi dưỡng các giá trị truyền thống trong một xã hội đang hiện đại hóa từng ngày.
Mời cha mẹ tham khảo bộ hồ sơ thiết kế sản phẩm của nhóm tại: Link
NHỮNG BÀI HỌC QUÝ GIÁ
Chặng hai của dự án gối mặt huyệt khép lại. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà nhóm học sinh tạo dựng được cho cộng đồng dân tộc Mường tại Thạch Thất, có cả những bài học vô giá mà chắc chắn sẽ đi theo các bạn mãi đến lứa tuổi trưởng thành.
Đó là ý thức sâu sắc về cộng đồng và trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua tìm hiểu, tiếp xúc với cuộc sống và văn hóa bản địa, trực tiếp trải nghiệm trên các chất liệu văn hóa, tình yêu, sự trân trọng và thái độ đúng đắn về vấn đề bảo tồn được hình thành bên trong những trái tim nhỏ. Đó là nền tảng để thế hệ sau này gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là đối với những bạn nhỏ có niềm đam mê với các công việc liên quan đến văn hóa và công tác xã hội.
Đó cũng là những kiến thức và trải nghiệm thực tế trong việc vận hành một dự án: lên kế hoạch ra sao, phân công công việc như thế nào, cùng nhau thảo luận để đi đến thống nhất, xử lý những những vấn đề phát sinh và rất nhiều thử thách khác. Hành trình mà nhóm đã đi qua đầy những cung bậc cảm xúc: có bối rối khi vấp phải những ngõ cụt, có sự ngây ngô, giọt mồ hôi, nhưng cũng chẳng ít niềm vui, lòng biết ơn và quyết tâm tạo nên những sản phẩm thật ý nghĩa.
Dự án cũng là một thử thách đòi hỏi các bạn học sinh sự kiên trì, bền bỉ để theo đuổi đến cùng kế hoạch mà mình đã đặt ra. Các bạn có một môi trường cởi mở để phát triển năng lực sáng tạo và tư duy, từ đó chủ động tìm tòi những phương pháp tối ưu để hoàn thành công việc.
Dự án Bảo tồn kỹ thuật làm gối mặt huyệt và Ứng dụng kĩ thuật làm gối mặt huyệt để tạo nên các sản phẩm vải đã khép lại chương trình giáo dục thực hành năm học 2022 – 2023 của Xưởng may thêu đan Mỡ tại Maya School. Hy vọng rằng, hành trình ý nghĩa này đã là một kỉ niệm đẹp và mang đến cho các bạn học sinh những bài học thật đáng quý.
———————————————————-
TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA
Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://maya.edu.vn/blog
Chuyến tham quan thực tế ảo: http://maya.edu.vn/vrtour
Tư vấn tuyển sinh: 0971698228/ 0971588228
admissions@mayaschool.edu.vn
Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội