THÔNG TIN CHUNG
Trong năm học 2024 – 2025, Dự án cộng đồng thuộc chương trình Học tập thực tế của học sinh Trung học Maya tại Xưởng Thủ công Mỡ lấy chủ đề “Chung tay cùng người Mường tại Thạch Thất bảo tồn và phát triển kỹ thuật thủ công truyền thống”.
Dự án năm nay là sự tiếp nối của 2 chặng dự án cộng đồng năm 2022 – 2023 của Xưởng Mỡ (Bảo tồn kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường tại Thạch Thất & Ứng dụng kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường để thiết kế sản phẩm bằng vải”.
Hành trình hai chặng đầu tiên của dự án trong năm 2022 – 2023 tại:
[Dự án học tập thực tế] Bảo tồn kỹ thuật làm gối mặt huyệt truyền thống của người Mường (Chặng 1)
Sau khi khép lại dự án của năm học 2022 – 2023, nhóm học sinh tại Xưởng Mỡ đã xây dựng được bộ hồ sơ và các sản phẩm truyền thông về kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường tại Thạch Thất, và ứng dụng kỹ thuật này để sản xuất các đồ dùng bằng vải với mong muốn chuyển giao thiết kế đến những đơn vị, tổ chức xã hội, góp phần gìn giữ nét văn hoá đang mai một này.
Tuy nhiên, mặc dù dự án đã đạt được những thành tựu nhất định, thể hiện qua những sản phẩm tâm huyết và chỉn chu, mục đích về “Bảo tồn văn hoá” dường như vẫn còn bỏ ngỏ và chưa thực sự tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cộng đồng. Với trăn trở này, thầy trò tại Xưởng Thủ công Mỡ đã quyết định khởi động giai đoạn 3 của dự án, hướng tới thuyết phục, chia sẻ thông tin, hỗ trợ sản xuất và tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công ứng dụng kỹ thuật truyền thống của người Mường tại Thạch Thất.
HÀNH TRÌNH DỰ ÁN
I. Khởi tạo dự án
Dựa trên quy trình 4 bước thực hành dự án, học sinh tại Xưởng Thủ công Mỡ bắt đầu giai đoạn Khởi tạo dự án với các hoạt động phân tích vấn đề, mục tiêu và phạm vi tác động mà dự án hướng tới.
1. Xác định và phân tích vấn đề
Xuất phát từ thực trạng kỹ thuật làm gối mặt huyệt của người Mường không còn được truyền dạy từ người già sang con cháu, nhóm học sinh xưởng Mỡ tiến hành phân tích những nguyên nhân và hệ quả, từ đó đi tìm hướng đi cho dự án của mình.
Qua tìm hiểu, nhóm đưa ra những lý do dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Sự thay đổi về văn hoá, phong tục cưới hỏi trong đời sống hiện đại
- Các sản phẩm gối mới và hiện đại đang dần thay thế loại gối truyền thống được dùng trong các gia đình Mường
- Người trẻ có xu hướng rời quê hương xây dựng sự nghiệp thay vì ở lại học và phát triển các kỹ thuật thủ công truyền thống
- Nghề thủ công truyền thống không đem lại nguồn thu nhập tốt để trang trải cuộc sống
- Kỹ thuật có độ khó cao, không có tài liệu cụ thể mà hầu như chỉ được dạy qua truyền miệng
- Kỹ thuật chưa có nhiều tính ứng dụng, hiện chỉ áp dụng trên 1 sản phẩm duy nhất là Gối Mặt Huyệt
- Người trẻ không ý thức được giá trị của việc giữ gìn nét đẹp văn hoá này
- Người già không khuyến khích, động viên con cháu học kỹ thuật truyền thống
Sự mai một của kỹ thuật thủ công truyền thống này có thể dẫn đến những hậu quả sâu xa hơn cho cộng đồng dân tộc đia phương. Dễ thấy nhất, đó là sự biến mất của một nét đẹp văn hoá truyền thống đã truyền qua nhiều thế hệ người Mường, làm đứt đoạn di sản văn hoá của dân tộc và giảm cơ hội phát triển về du lịch, đồng thời làm mất đi phần nào giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống.
Trong cộng đồng, sự thất truyền của một nét đẹp văn hoá có thể tạo nên sự đứt gãy giữa các thế hệ, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, bởi văn hoá vốn là chất keo quan trọng gắn kết các thành viên của cộng đồng.
2. Xác định mục đích & mục tiêu
Dựa vào kết quả phân tích vấn đề, nối tiếp những thành quả bước đầu trong chặng 1 và chặng 2 của dự án về Bảo tồn kỹ thuật làm gối mặt huyệt của năm học trước đó, nhóm dự án xác định mục đích chính của dự án năm nay là ” Đồng hành cùng người Mường tại Thạch Thất giữ gìn và phát huy kỹ thuật thủ công truyền thống”.
Để đạt được mục đích lớn trên, nhóm đưa ra những mục tiêu cụ thể cần thiết để triển khai theo từng giai đoạn dựa trên nguồn lực sẵn có mà xưởng đang có, bao gồm:
- Chia sẻ góc nhìn với người Mường tại Thạch Thất để họ có động lực bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
- Đồng hành cùng người Mường thiết kế và sản xuất các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật thủ công truyền thống của họ.
- Cùng họ tìm đầu ra cho sản phẩm
Nếu thành công, dự án sẽ góp phần giải quyết những rào cản chính khiến kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường đang mai một trong xã hội hiện đại.
II. Lập kế hoạch
Từ việc xác định vấn đề và mục tiêu cụ thể ban đầu cho dự án năm nay, nhóm học sinh Xưởng Mỡ bắt tay vào xây dựng kế hoạch làm việc và Timeline hoạt động cho dự án.
Về nhân lực, dựa trên mong muốn, thế mạnh và kinh nghiệm của từng thành viên, dự án thống nhất chia thành các nhóm chuyên môn với nhiệm vụ cụ thể:
- Nhóm Đối ngoại: phụ trách các công việc đối ngoại, gặp gỡ và làm việc với các đối tác ngoài dự án
- Nhóm Marketing: phụ trách phát triển sản phẩm, thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tìm đầu ra cho sản phẩm
- Nhóm Sản xuất: đảm nhiệm các đầu việc liên quan đến sản xuất sản phẩm
- Nhóm Truyền thông: chịu trách nhiệm lan toả thông tin về dự án rộng rãi đến với cộng đồng
- Nhóm Tài chính: kiểm soát nguồn thu chi và tình hình tài chính xuyên suốt các giai đoạn của dự án
Theo đó, học sinh tại mỗi nhóm sẽ tập trung giải quyết những công việc phù hợp với chức năng của nhóm mình. Những thông tin quan trọng sẽ được đưa ra bàn bạc và thảo luận trong nhóm dự án lớn và thống nhất bởi tất cả các thành viên trong nhóm.
Mặt khác, để có kinh phí cho các hoạt động của dự án trong suốt 10 tháng của năm học, nhóm học sinh cùng nhau xây dựng một bản kế hoạch tài chính cụ thể. Bắt đầu từ việc xác định những đầu việc cần chi phí, khảo sát giá thị trường, nhóm từng bước hoàn thành bản ngân sách ban đầu và đưa ra những ý tưởng để thu được nguồn kinh phí cho dự án như bán sản phẩm tại các sự kiện của trường, vay vốn, xin tài trợ,…
Bên cạnh đó, là một dự án bảo tồn, khía cạnh truyền thông là một phần đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của dự án. Cân nhắc đến các yếu tố về độ mức độ lan toả và đối tượng người đọc, nhóm học sinh xưởng Mỡ thống nhất sử dụng mạng xã hội Facebook làm kênh truyền thông chính cho dự án của mình. Tại kênh này, nhóm sẽ cập nhật những sự kiện và thông tin nổi bật của dự án. Fanpage của dự án tại đây: Cái Kềl.
Trong phạm vi nhóm Truyền thông, học sinh cùng nhau xây dựng một quy trình quản lý công việc cụ thể, phân công nhau phụ trách các đầu việc như quay chụp, lấy tư liệu, viết bài, biên tập, và đăng bài.
III. Thực hiện
Workshop “Làm đồ vải với kỹ thuật làm gối mặt huyệt của người Mường”
Cuối tháng 10/2024, tại chuỗi sự kiện “Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục” do Maya đồng hành cùng các nhà giáo dục tiến bộ tổ chức tại Hà Nội, nhóm dự án tại Xưởng Thủ công Mỡ đã có cơ hội trưng bày triển lãm hành trình thực hiện dự án về Bảo tồn kỹ thuật làm gối mặt huyệt qua các năm học. Trước cha mẹ, thầy cô và khách đến tham gia triển lãm, các bạn học sinh tự tin giới thiệu về kế hoạch triển khai và mở rộng dự án mà nhóm đang ấp ủ trong năm nay.
Đặc biệt, trong chuỗi sự kiện này, nhóm học sinh xưởng Mỡ đã tổ chức thành công Workshop cộng đồng “Làm đồ vải với kỹ thuật làm gối mặt huyệt của người Mường”. Trong đó, học sinh trực tiếp lên kế hoạch, vận hành và hướng dẫn khách tham gia Workshop ứng dụng kỹ thuật truyền thống của người Mường để tạo nên những sản phẩm vải xinh xắn.
Workshop không chỉ mang đến một trải nghiệm văn hoá thú vị cho khách tham gia mà còn là dịp để nhóm dự án lan toả thông điệp về nét đẹp truyền thống đang dần mai một của người Mường. Đây cũng đồng thời đánh dấu thành công bước đầu của nhóm học sinh trong việc đa dạng hoá ứng dụng kỹ thuật này để sản xuất nhiều loại sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường.
Phỏng vấn đại diện đơn vị thành công
Với mong muốn tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng người Mường tại Thạch Thất để chia sẻ những câu chuyện thành công trong việc bảo tồn và kinh doanh các sản phẩm thủ công truyền thống, nhóm dự án đã liên hệ và sắp xếp buổi phỏng vấn với cô Hoàng Thuỷ Tiên – đại diện Thung Lũng Khói Xanh – một đơn vị đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực này.
Tại buổi phỏng vấn, các bạn học sinh đã lắng nghe cô chia sẻ về câu chuyện thực tế của Khói Xanh, hỏi đáp về những kinh nghiệm của nhóm khi triển khai các hoạt động thực tế.
“Điều đầu tiên chúng con học được sau buổi phỏng vấn là khi làm việc với bất kỳ cộng đồng nào, luôn phải tìm hiểu về cộng đồng đó trước. Sau đó, cần phải làm quen, kết bạn với họ, cần tìm một gia đình chủ chốt, sau đó lan tỏa, kết nối dần dần với các gia đình khác. Thứ hai, những người thực hiện dự án cũng rất cần sự kiên trì. Nếu kiên trì chắc chắn sẽ có thành quả, và từ những thành quả đó còn có thể nghĩ ra được những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo hơn nữa” – đại diện nhóm học sinh tại Xưởng Mỡ chia sẻ sau buổi phỏng vấn.
Quá trình chuẩn bị và trải nghiệm thực tế sau buổi phỏng vấn không chỉ giúp nhóm dự án rút ra được những kinh nghiệm quý giá để áp dụng cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là cơ hội để các bạn trau dồi kỹ năng giao tiếp, khai thác và tổng hợp thông tin.
Tiếp cận với địa phương
Để bắt đầu kết nối với cộng đồng người Mường tại địa phương, vào tháng 11/2024, nhóm Đối ngoại của dự án đã có cơ hội gặp gỡ bác Phó Chủ tịch xã Tiến Xuân, Thạch Thất để giới thiệu về dự án và bày tỏ mong muốn được kết nối với người dân tại địa phương.
Nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của bác, nhóm tiếp tục được giới thiệu và gặp gỡ với cô Ngọc – Trưởng Hội Phụ nữ xã Tiến Xuân, đồng thời cũng là một người Mường gốc Hoà Bình. Ấn tượng với những kế hoạch và những dự định mà nhóm chia sẻ, cô Ngọc đồng ý hỗ trợ kêu gọi các bà, các bác trong xã tham gia và đồng hành cùng các hoạt động của dự án trong giai đoạn phía trước.
Cũng trong tháng 11/2024, lần đầu tiên, nhóm sự án nhận được lời mời tham gia sự kiện Festival Làng nghề và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội lần thứ 3 năm 2024. Đây là sự kiện có quy mô lớn trên thành phố, có sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực làng nghề, văn hoá.
Tại sự kiện này, nhóm đã tổ chức một gian hàng trưng bày sản phẩm và giới thiệu về dự án với khách tham quan. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để học sinh được trực tiếp quan sát, trò chuyện và học hỏi cách thức triển khai và làm việc từ các đơn vị lớn đang kinh doanh và bảo tồn các sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó mở ra những hướng đi hiệu quả và sáng tạo hơn cho dự án của mình.
“Mỗi dịp các con được bước ra ngoài như thế này là một lần thầy cô được chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc, trách nhiệm và sự nghiêm túc trong công việc của các con. Tại Festival này, các con được tiếp xúc với rất nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức chuyên nghiệp, được tự mình nói về những gì mình đang làm, sẽ làm, được quan sát, học hỏi. Bên cạnh đó, những buổi Outing như thế này cũng là nguồn động lực to lớn để các con thêm tin tưởng vào hành trình mà nhóm mình đang đi, và hiểu rằng mọi công việc mà mình đang làm đều nhận được sự quan tâm của cộng đồng và có tiềm năng tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội” – cô Đào Anh Thư – Admin Xưởng Thủ công Mỡ chia sẻ.
Những thông tin tiếp theo về hành trình dự án của học sinh Maya tại Xưởng Thủ công Mỡ sẽ tiếp tục được cập nhật trong bài đăng này. Mời cha mẹ cùng theo dõi.