Năm học 2022 – 2023, chủ đề lớn của các xưởng thực hành tại Maya School là “Thúc đẩy nhận thức về văn hóa địa phương và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương”. Nhóm học sinh THCS Maya tại Xưởng may thêu đan Mỡ đã thực hiện dự án học tập thực tế với mục tiêu bảo tồn kỹ thuật làm gối mặt huyệt truyền thống của người Mường tại Thạch Thất – một nét đẹp văn hóa đang dần mai một.
Mời cha mẹ theo dõi hành trình nghiên cứu và thực hiện dự án của các bạn học sinh dưới đây.
NGHIÊN CỨU VÀ XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU
Những bước đi đầu tiên
Khi bắt đầu dự án, các bạn học sinh tại Xưởng may thêu đan Mỡ tiến hành nghiên cứu thứ cấp từ các thông tin sẵn có trên sách, báo, Internet để xác định hướng đi cho hoạt động của mình. Chủ đề nghiên cứu mà nhóm thống nhất là về các sản phẩm vải truyền thống của người Mường tại Thạch Thất.
Sau khi tìm kiếm thông tin, một số kết quả thu được như sau:
- Địa phương Thạch Thất là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó người Mường chiếm đa số
- Các thông tin về sản phẩm vải của người Mường không có nhiều và khá chung chung.
Từ kết quả nghiên cứu này, với mong muốn thu thập được các thông tin cụ thể và sát với thực tế hơn, nhóm học sinh mở rộng nghiên cứu theo phương thức sơ cấp: tiến hành phỏng vấn trực tiếp cộng đồng người Mường đang sinh sống tại địa phương.
Lần đầu thực hiện phỏng vấn
Nghiên cứu thị trường bằng phương pháp phỏng vấn sâu là kỹ năng quan trọng nhưng vẫn còn rất mới với các bạn học sinh THCS. Với định hướng từ thầy cô, nhóm dự án đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm:
- Cùng nhau ôn tập phương pháp nghiên cứu sơ cấp đã được học trong học phần Nghiên cứu thị trường đầu năm học
- Xác định mục tiêu nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cụ thể
- Thảo luận về các loại câu hỏi và xây dựng một bảng hỏi
- Diễn tập phỏng vấn thử trong phạm vi nhóm.
Nhờ sự chuẩn bị này, quá trình phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và thu được rất nhiều thông tin có ích cho dự án. Kết quả được các bạn hệ thống lại bao gồm:
- Trang phục truyền thống của người Mường hiện nay đã được cách tân để dễ mặc, dễ dùng, chủ yếu là may hàng loạt với vải công nghiệp chứ không còn sản xuất thủ công.
- Nghề dệt thủ công tại địa phương Thạch Thất gần như đã không còn.
- Trong văn hóa người Mường có một loại gối truyền thống có tên là “gối mặt huyệt” gắn liền với truyền thống cưới hỏi của cộng đồng dân tộc. Hiện nay, chỉ còn một số người cao tuổi tại địa phương biết cách làm loại gối này.
Ngoài những thông tin hữu ích cho dự án, thông qua trải nghiệm phỏng vấn đầu tiên, nhóm học sinh còn rút ra nhiều bài học thú vị.
Có bạn sinh sống ngay tại Thạch Thất rất hào hứng bởi có cơ hội tiếp xúc và phỏng vấn nhiều người địa phương. Tuy nhiên, sau khi thu thập câu trả lời trên 5 bảng hỏi, bạn nhận ra rằng các kết quả không có nhiều sự khác biệt bởi đối tượng bạn chọn đều thuộc một gia đình, được sinh ra và lớn lên trong cùng một môi trường. Từ đó, bạn rút ra bài học về việc lựa chọn đối tượng phỏng vấn phù hợp để thu thập được thông tin đa chiều.
Một bạn học sinh khác lại chia sẻ: “Khi con đặt câu hỏi, người được phỏng vấn trả lời trùng với cả những câu hỏi khác nên con không biết phải ghi chép lại như thế nào”. Trước băn khoăn này, cả nhóm đã cùng nhau góp ý và thảo luận về cách hỏi, dẫn dắt và lưu lại thông tin sao cho hợp lý và khoa học cho những lần phỏng vấn sau.
Khám phá những hướng đi
Song song với quá trình phỏng vấn, một số học sinh sống tại địa phương cũng chủ động quan sát cuộc sống của người bản địa và biết tới một tiệm vải trong chợ dân sinh địa phương. Từ đó, nhóm dự án nảy ra ý tưởng sử dụng nguồn vải dệt truyền thống mua tại chợ để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Trước khi đi vào triển khai, để kiểm tra mức độ khả thi của dự án, các bạn đã tiến hành một số nghiên cứu và thử nghiệm:
- Tổng hợp các tiêu chí cho sản phẩm mà nhóm mong muốn, bao gồm: phù hợp với đặc điểm của vải dệt tay địa phương, có thể đưa yếu tố văn hóa vào sản phẩm, phù hợp với quy mô sản xuất của xưởng. Từ đó, nhóm thống nhất hai loại sản phẩm: móc treo chìa khóa và búp bê vải.
- Với định hướng và hỗ trợ của thầy cô, các bạn trực tiếp đến tiệm vải để tìm hiểu về đặc điểm và mức giá bán.
Sau quá trình đi thực tế, một số kết luận được đưa ra:
- Các tiệm vải tại địa phương chỉ cung cấp loại vải thường. Nguồn vải này có thể sử dụng để may trang phục truyền thống nhưng không phải vải dệt thủ công, vì vậy không mang nhiều giá trị văn hóa.
- Qua khảo giá, giá thị trường của các phẩm như móc treo chìa khóa từ vải công nghiệp thấp hơn rất nhiều so với vải dệt thủ công. Vì vậy sản phẩm dự kiến sẽ không có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Do đó, hướng triển khai về sản xuất móc khóa và búp bê được gác lại, nhóm dự án tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng thực tế và ý nghĩa hơn. Mặc dù hướng đi đầu tiên chưa thể thực hiện nhưng quá trình này đã cho nhóm những bài học quý giá:
- Kinh nghiệm xác định tính khả thi của dự án qua việc nghiên cứu khả năng sản xuất, nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ.
- Kỹ năng thuyết trình, tranh biện và lập luận trong quá trình hoạt động nhóm.
- Khơi gợi ý thức về sự khác nhau giữa dự án học tập thực tế mang ý nghĩa cộng đồng và dự án sản xuất thông thường.
Xác định đúng mục tiêu và bắt đầu hành trình
Sau khi loại trừ các hướng đi không khả thi, nhóm dự án quay lại đọc thật kỹ các phiếu khảo sát từ quá trình nghiên cứu sơ cấp lần 1. Và Gối Mặt Huyệt là một cái tên gợi cho các bạn nhiều hiếu kỳ. Lạ thay, dù là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, thông tin về chiếc gối lại không có nhiều trên Internet. Vì vậy, để có thể tìm hiểu được kỹ hơn, nhóm học sinh quyết định tới thăm một gia đình người Mường trong xã và phỏng vấn bà Lợi – một phụ nữ Mường cao tuổi thuộc số ít những người còn lưu giữ truyền thống làm chiếc gối này.
Xác định đây là buổi phỏng vấn quan trọng, không chỉ thu thập câu trả lời mà còn để ghi lại quá trình làm gối hoàn chỉnh cho các hoạt động sau này, các bạn đã có sự chuẩn bị cẩn thận:
- Tìm hiểu thông tin về đối tượng phỏng vấn và lập bảng câu hỏi. Mời cha mẹ tham khảo bảng hỏi mà nhóm chuẩn bị tại: Link
- Phân công các nhiệm vụ: phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh.
- Diễn tập phỏng vấn.
Với sự đồng hành của cô giáo, nhóm học sinh đã có buổi chia sẻ bổ ích và thú vị với gia đình bà Lợi tại nhà riêng của bà. Những thông tin thu thập được đều khó có thể tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông nếu không có trải nghiệm thực tế này. Đó là ý nghĩa, cách phân loại, những phong tục của dân tộc Mường gắn với gối mặt huyệt và trực tiếp quan sát cách làm nên một chiếc gối.
Cảm ơn và chào tạm biệt gia đình bà Lợi, nhóm mang theo trăn trở về việc tại sao một sản phẩm mang giá trị văn hóa quý giá như vậy lại không hề được biết đến rộng rãi. Ngay cả tại địa phương, rất ít người còn nắm được cách làm chiếc gối này. Nếu không có hoạt động thúc đẩy truyền thông, có lẽ không lâu nữa sẽ chẳng còn ai nhớ đến nét đẹp văn hóa ấy.
Đó là lúc ý tưởng về BẢO TỒN KỸ THUẬT LÀM GỐI MẶT HUYỆT qua truyền thông xã hội ra đời.
LẬP KẾ HOẠCH DỰ ÁN
Sau khi thống nhất về định hướng, các bạn học sinh bắt tay vào xây dựng kế hoạch và phân công công việc.
Mục đích: Bảo tồn kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường: Gối mặt huyệt
Mục tiêu: Sản xuất bộ ấn phẩm truyền thông về kỹ thuật làm gối để gửi tới cộng đồng
Đối tượng:
– Người Mường tại địa phương
– Các dân tộc khác
Triển khai: Xây dựng nội dung, quay chụp và in ấn các sản phẩm truyền thông bao gồm:
- Sổ tay: giới thiệu về gối mặt huyệt và kỹ thuật làm gối với nội dung đầy đủ và dễ dàng tiếp cận với học sinh và người dân địa phương.
- Ấn phẩm online: một website giới thiệu về gối mặt huyệt và kỹ thuật làm gối với mục đích truyền thông rộng rãi trong xã hội.
Song song với đó, để có nguồn lực truyền thông dự án hiệu quả, nhóm học sinh cũng tìm kiếm các nhà tài trợ để hỗ trợ lan tỏa những tài liệu này đến với mọi người.
Timeline: Dự án sẽ diễn ra xuyên suốt kì học. Để xây dựng kế hoạch thời gian cụ thể, nhóm học sinh đã cùng nhau lên danh sách công việc cần làm, thời gian dự kiến để hoàn thành từng mục và trình bày tất cả lên một dòng thời gian để theo dõi tiến độ.
Kế hoạch tài chính: Không chỉ thực thi, quản lý dự án là một kỹ năng mà Maya mong muốn các bạn học sinh học được. Trong đó, chi tiêu ra sao là một yếu tố cực kì quan trọng, nhất là khi nhóm có dự định kêu gọi tài trợ ngân sách dự án từ bên ngoài. Để làm được điều này, các bạn đã:
- Thảo luận và liệt kê các loại chi phí của dự án.
- Thay vì thuê nhân công chuyên nghiệp để biên soạn các tài liệu, nhóm học sinh quyết tâm tự thực hiện toàn bộ và đề xuất mức thù lao hợp lý với đóng góp của mình qua khảo sát thị trường lao động. Việc này vừa giúp các bạn hình thành ý thức quản lý chi tiêu trong công việc, vừa cho các bạn cơ hội được học và trải nghiệm trực tiếp công việc sáng tạo nội dung và truyền thông.
- Lập bảng dự trù kinh phí hoàn chỉnh. Mời cha mẹ tham khảo bảng dự trù chi phí của nhóm tại: Link
Xin tài trợ
Việc xin tài trợ cho một dự án đòi hỏi nhiều kĩ năng như lập kế hoạch, trình bày dự án, thuyết phục và thương lượng. Nhóm thực hiện đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để chuẩn bị cho hoạt động này, bao gồm:
- Nghiên cứu và xác định nhà tài trợ tiềm năng
- Chuẩn bị tài liệu và hồ sơ kêu gọi tài trợ với đầy đủ các thông tin: giới thiệu, mục đích, tài nguyên, thời gian biểu, tài chính và các quyền lợi tài trợ. Mời cha mẹ tham khảo hồ sơ xin tài trợ của nhóm học sinh tại: Link
- Luyện tập thuyết trình và chuẩn bị các tình huống, câu hỏi từ nhà tài trợ
THỰC HIỆN DỰ ÁN
Thực hiện sản phẩm mẫu
Trong cuộc gặp gỡ với gia đình bà Lợi, nhóm dự án đã được trò chuyện về giá trị, ý nghĩa văn hóa và quan sát cách bà tận tay làm nên một chiếc gối mặt huyệt. Dựa vào các tài liệu được ghi chép và quay chụp lại, cộng với sự hỗ trợ của cô giáo trong Xưởng may thêu đan Mỡ, các bạn học sinh đã thành công may lại một chiếc gối hoàn chỉnh và vuông vắn đúng với tinh thần của văn hóa Mường.
Việc tự tay tạo nên một sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ giúp các bạn rèn luyện sự kiên trì, khéo léo mà còn hình thành sự kết nối sâu sắc với những giá trị văn hóa của cộng đồng, từ đó sự trân trọng cùng ý thức bảo tồn được hình thành và vun đắp. Đó có lẽ chính là bài học quý giá nhất dành cho các bạn nhỏ.
Xây dựng bộ ấn phẩm truyền thông
“Sau cuộc hành trình khám phá về chiếc gối mặt huyệt của người Mường, chúng con đã hiểu thêm nhiều điều về loại gối này. Chúng có từ bao giờ, sau này chúng sẽ ra sao, không ai có thể trả lời chắc chắn được. Nếu loại gối này bị thất truyền thì thật đáng tiếc vì chúng chứa rất nhiều ý nghĩa cả về kĩ thuật lẫn văn hóa của dân tộc Mường. Vì vậy chúng con đã thực hiện những video và ấn phẩm hướng dẫn chi tiết cách làm chiếc gối độc đáo này.”
Đó là lời chia sẻ của bạn Nguyên Khang, một thành viên của nhóm dự án, trích từ video phóng sự tổng kết chặng đầu tiên của dự án bảo tồn chiếc gối mặt huyệt.
Từ những kiến thức tiếp thu từ chính người dân tộc bản địa, từ quá trình nghiên cứu, phân tích, thảo luận cùng nhau, và từ những giờ thực hành để tạo ra sản phẩm; một bộ tài liệu truyền thông chỉn chu với rất nhiều thông tin bổ ích ra đời:
- Bộ tài liệu “Cách làm gối truyền thống của người Mường: Gối mặt huyệt” với đầy đủ các bước được miêu tả chi tiết, kèm theo hình ảnh thực tế được ghi lại ngay tại Xưởng may thêu đan Mỡ. Mời cha mẹ tham khảo bộ tài liệu tại đây: Link
- Chuỗi video hướng dẫn cách làm Gối Mặt Huyệt phục vụ cho truyền thông trên các kênh mạng xã hội.
- Video phóng sự về Hành trình khám phá chiếc gối truyền thống để người xem theo chân nhóm dự án tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa và vai trò của Gối mặt huyệt trong đời sống của dân tộc Mường.
Hành trình khám phá, những tâm sự và quá trình bảo tồn chiếc gối truyền thống cũng được nhóm học sinh cẩn thận ghi lại trong website riêng của dự án tại: Link.
Ở đó, cha mẹ có thể đọc những dòng tâm sự trong sáng và ngây thơ, những khó khăn, trăn trở nhưng trên hết là quyết tâm và sự nỗ lực mà các bạn nhỏ đã trải qua trong suốt dự án ý nghĩa này.
NHỮNG BÀI HỌC
Lợi ích của những dự án học tập thực tế mang lại không chỉ có kiến thức mà còn là các kĩ năng mềm và đồng thời tạo ra môi trường để các bạn học sinh khám phá tiềm năng, đam mê và phát triển ý thức xã hội. Hơn 5 tháng tìm tòi và triển khai dự án Bảo tồn gối mặt huyệt đã mang đến cho nhóm học sinh THCS những bài học quý giá:
– Về học vấn nền tảng:
- Kiến thức về nghiên cứu thị trường theo phương pháp sơ cấp, thứ cấp và cách vận hành một dự án
- Kiến thức quản lý tài chính trong tình huống thực tế
- Kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông thông qua quá trình xây dựng các loại ấn phẩm như bài báo, phóng sự, tài liệu,… dưới dạng in và online qua Google Sites
- Kiến thức về văn hóa và con người nhờ trực tiếp nghiên cứu về văn hóa địa phương tại Thạch Thất
– Về năng lực:
- Khả năng sáng tạo qua việc chủ động đề xuất và thảo luận ý tưởng triển khai dự án
- Kĩ năng giao tiếp thông qua các buổi phỏng vấn trực tiếp
- Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề qua các hoạt động thảo luận trong nhóm, xin tài trợ và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình vận hành dự án
– Về phẩm chất:
- Sự kiên trì theo đuổi những ý tưởng và không nản lòng trước những khó khăn
- Ý thức sâu sắc về bảo tồn văn hóa và trách nhiệm đối với xã hội
Câu chuyện về chiếc gối truyền thống chưa dừng lại ở đó. Với hy vọng đưa những nét độc đáo của chiếc gối mặt huyệt gần hơn với đời sống của cộng đồng, trong học kỳ II, nhóm học sinh đã quyết tâm thực hiện chặng tiếp theo của dự án. Mời cha mẹ theo dõi hành trình của nhóm tại: Dự án Ứng dụng kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường để làm mẫu sản phẩm đồ dùng bằng vải.
———————————————————-
TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA
Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://maya.edu.vn/blog
Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour
Tư vấn tuyển sinh: 0971698228/ 0971588228
admissions@mayaschool.edu.vn
Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội