Thành lập tín chỉ Carbon - Dự án cộng đồng của học sinh Trung học Maya tại Xưởng Lá Mây - Maya School – Trường Phổ Thông Liên Cấp Song Ngữ

Thành lập tín chỉ Carbon – Dự án cộng đồng của học sinh Trung học Maya tại Xưởng Lá Mây

25.10.2024 2:34:00

THÔNG TIN CHUNG

Trong năm học 2024 – 2025, dự án cộng đồng thuộc chương trình học tập thực tế của học sinh Trung học Maya tại Xưởng Lá Mây lấy chủ đề “Thành lập tín chỉ Carbon”.

Với tầm nhìn lớn “Góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thông qua phát triển kinh tế xanh”, dự án năm nay của thầy trò Xưởng Lá Mây là dự án tiên phong, tạo tiền đề quan trọng cho những hoạt động giảm tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ kinh tế xanh trong những năm học tiếp theo.

Img 0556

Theo đó, trong dự án cộng đồng năm nay, nhóm học sinh Xưởng Lá Mây sẽ nghiên cứu cách thành lập hồ sơ đăng ký tín chỉ Carbon cho khu vực đất rừng với diện tích 5 hecta của trường Maya tại Hoà Bình. Không chỉ nghiên cứu và thiết lập hồ sơ đăng ký mà dự án còn áp dụng các phương pháp tiên tiến trong đo đạc và tính toán sinh khối rừng. Học sinh sẽ thực hiện các sáng kiến tái cấu trúc và quản lý rừng theo hướng bền vững, từ đó tạo ra một mô hình có thể nhân rộng, đóng góp vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh cho cộng đồng.

Đây là dự án thí điểm để trong tương lai, nhóm dự án tiếp tục nhân rộng mô hình, tiếp cận và hỗ trợ nhiều chủ rừng địa phương để tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng hơn đến với môi trường và cộng đồng.

HÀNH TRÌNH DỰ ÁN

I. Khởi tạo dự án

Xác định và phân tích vấn đề

Img 1579

Xuất phát từ vấn đề rằng địa phương còn nhiều đất trống, đồi trọc và người dân địa phương trồng và thu hoạch cây keo theo giai đoạn ngắn, trung bình từ 5 – 7 năm, vừa không mang lại lợi ích kinh tế cao, vừa ảnh hưởng xấu đến đất rừng. Nghiêm trọng hơn, theo phân tích của nhóm học sinh dự án, thực trạng này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như làm giảm đáng kể diện tích xanh, gây xói mòn, sạt lở, lũ lụt, giảm hấp thu CO2, góp phần vào biến đổi khí hậu và gián đoạn nguồn thu kinh tế.

Áp dụng tư  duy phân tích và phản biện, nhóm dự án đã cùng nhau xây dựng mô hình Cây Vấn Đề để làm tiền đề tư duy về những giải pháp mà nhóm có thể đóng góp làm giảm bớt tình trạng này.

Xác định mục đích & mục tiêu

Từ việc phân tích vấn đề, cân nhắc trên nguồn lực sẵn có từ Xưởng, nhóm dự án xác định mục tiêu chính của dự án năm nay là “Tái tạo và duy trì rừng tại địa phương và phát triển kinh tế xanh”. Theo đó, dự án sẽ hướng đến bảo vệ diện tích rừng tại địa phương, tìm giải pháp phát triển kinh tế từ rừng, quy hoạch trồng rừng với những giống cây lâu năm mang lại lợi ích cả về khí hậu và kinh tế. Với những mục tiêu này, nhóm kì vọng sẽ góp phần điều hoà khí hậu, tăng hấp thu CO2 tại địa phương và mang lại một giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Những thông tin này được cả nhóm nghiên cứu và tổng hợp lại trong mô hình Cây Mục Đích.

  • Mục đích (Purpose):
    • Ứng phó biến đổi khí hậu thông qua phát triển kinh tế xanh.
  • Mục tiêu chính (Core Objective):
    • Thành lập tín chỉ carbon cho 5 ha diện tích đất khu vực trường cấp 3 Maya

Img 8061

Trong quá trình nghiên cứu ý tưởng, nhóm được tìm hiểu đến khái niệm Tín chỉ Carbon – một loại “giấy phép” cho phép mua bán quyền phát thải khí CO2, từ đó khuyến khích giảm phát thải và thể hiện trách nhiệm của các tổ chức trong vấn đề khí hậu và môi trường. Theo đánh giá của nhóm dự án, đây là hướng đi mới lạ và khả thi mà các thành viên mong muốn thí điểm triển khai và áp dụng trong dự án năm nay.

Khi khảo sát điều kiện thực tế, nhóm dự án cân nhắc đến nguồn lực sẵn có là khu đất rừng với diện tích 5 hecta của trường Maya tại Hoà Bình. Được sự đồng ý của nhà trường, nhóm thống nhất sẽ tiến hành thành lập hồ sơ tín chỉ Carbon cho diện tích đất này, đồng thời tìm phương án quy hoạch tối ưu để phủ xanh rừng tại đây với những loại cây trồng phù hợp và mang lại lợi ích bền vững về kinh tế.

II. Lập kế hoạch

Kế hoạch hoạt động

Với hướng đi và mục tiêu cụ thể, nhóm học sinh đã cùng nhau thảo luận để xây dựng một kế hoạch hoạt động cho dự án với những hạng mục công việc cụ thể. Theo đó, bởi “Tín chỉ Carbon” vẫn còn là một khái niệm mới đối với cộng đồng, nhóm cần bắt đầu với việc nghiên cứu, tìm hiểu để nắm vững những kiến thức chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này.

Sau khi tìm kiếm thông tin từ các nguồn trong nước và quốc tế, nhóm được biết rằng để thành lập được một bộ hồ sơ đăng ký được quốc tế công nhận và chính thức được cấp Tín chỉ Carbon, dự án phải đạt các tiêu chuẩn về cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và thoả mãn nhiều quy định của quốc tế. Vì vậy, bước tiếp theo trong kế hoạch hoạt động dự kiến là tìm kiếm và kí kết hợp tác với một đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực này. Đơn vị này sẽ đồng hành cùng các bạn học sinh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, và đào tạo cho nhóm dự án có thể tự đo đạc, tính toán quy hoạch cho diện tích đất rừng tại Hoà Bình, từ đó giúp nhóm có thể chủ động triển khai và mở rộng dự án.

Img 8067 Img 8380

Cụ thể, trong thời gian đầu, với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn, nhóm dự án sẽ tiến thành thành lập một bộ hồ sơ Tín chỉ Carbon cho những cây trồng có sẵn tại khu đất rừng tại Hoà Bình. Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp quy hoạch tối ưu, phát triển cây cũ, trồng thêm các loại cây mới để sau đó thành lập một bộ hồ sơ tiếp theo cho toàn bộ diện tích đất rừng mới quy hoạch.

Bên cạnh Tín chỉ Carbon quốc tế, nhóm dự án cũng kì vọng được cấp Chứng nhận Carbon – thể hiện lượng Carbon mà vùng rừng của Maya tại Hoà Bình hấp thụ trong một năm. Chứng nhận này sẽ thể hiện trách nhiệm của nhà trường trong việc cân bằng lượng CO2 thải ra từ các hoạt động hàng ngày và bù lại bằng trồng, quy hoạch và duy trì rừng hiệu quả.

Không dừng lại ở đó, theo tầm nhìn của xưởng, dự án năm nay sẽ là nền tảng quan trọng để trong các năm học sau, nhóm dự án sẽ tiếp cận với những hộ nông dân địa phương để vận động, hỗ trợ để họ có thể tiếp cận và triển khai mô hình kinh tế xanh này, mang lại lợi ích về kinh tế lâu dài, đồng thời góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Kế hoạch nhân sự

Trước những nhiệm vụ trên, trong khuôn khổ dự án, nhóm học sinh Xưởng Lá Mây thành lập các nhóm chức năng nhỏ với các hạng mục công việc cụ thể. Theo đó, mỗi thành viên sẽ tự ứng cử và đăng ký vào nhóm công việc mà mình yêu thích, có sở trường và mong muốn được trải nghiệm.

Img 9341

Các nhóm chức năng bao gồm:

  • Nhóm Khảo sát: chịu trách nhiệm khảo sát hiện trạng đất và đánh giá tiềm năng trồng cây
  • Nhóm Nghiên cứu và Soạn thảo tài liệu: làm việc với đối tác tư vấn để thu thập và tổng các tài liệu & số liệu cần thiết như các form mẫu giấy tờ pháp lý, số liệu thực địa, tài liệu chính sách,… và hoàn thiện hồ sơ thành lập Tín chỉ Carbon
  • Nhóm Thi công: lập kế hoạch trồng cây và thi công, chăm sóc; theo dõi và ghi chép tiến độ và số liệu
  • Nhóm Truyền thông: quay chụp tiến trình dự án, biên soạn tư liệu truyền thông và làm báo cáo cho các hoạt động
  • Nhóm Giám sát: phụ trách giám sát tiến trình, thu thập báo cáo từ các nhóm chức năng
  • Nhóm Đối ngoại: liên hệ & làm việc với các đối tác tư vấn và thi công

Ở giai đoạn đầu, trước khi phân chia công việc vào các nhóm chức năng để chuyên môn hoá công việc, toàn bộ nhóm dự án năm nay sẽ tham gia nghiên cứu để nắm vững kiến thức chuyên môn về Tín chỉ Carbon.

III. Thực hiện

Nghiên cứu kiến thức chuyên môn

Việc nắm vững kiến thức chuyên môn liên quan đến Tín chỉ Carbon là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên đối với các thành viên dự án năm nay, đặc biệt khi đây là một khái niệm mới và khó đối với các bạn học sinh Trung học nói riêng và cộng đồng nói chung. Thông qua tìm hiểu những nguồn từ Internet, tham khảo thông tin từ các chuyên gia qua nhiều buổi học tại Xưởng, nhóm học sinh tại Xưởng Lá Mây đã tự xây dựng và hệ thống những kiến thức cơ bản cho mình trong lĩnh vực này, như khái niệm đúng về tín chỉ Carbon, cách hoạt động và giao dịch tín chỉ trên thị trường, và những thông tin quan trọng khác.

Img 1567

Img 4665 Img 1574

Những kiến thức nền tảng này cũng là cơ sở để nhóm học sinh phát triển những ý tưởng về quy hoạch khu vực rừng tại Hoà Bình. Theo đó, nhóm rút ra tầm quan trọng của việc trồng các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đạt tiêu chuẩn về tín chỉ Carbon và đem lại những lợi ích kinh tế liên tục mà không phải chặt bỏ đi sau một vài năm. Ví dụ, theo dự án về tín chỉ Carbon, việc trồng các cây càng lâu năm đem lại lợi ích càng lớn, lại không mất công chăm sóc như các cây ăn trái và lấy gỗ thông thường.

Không chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động, các bạn học sinh Xưởng Lá Mây liên tục chủ động đưa ra những thắc mắc để cùng nhau thảo luận trong nhóm, đặt câu hỏi với các thầy giáo chuyên gia trong xưởng và đối tác chuyên gia trong các buổi học và sự kiện diễn ra xuyên suốt dự án.

Chuẩn bị xin vốn cho giai đoạn Nghiên cứu & Quy hoạch

Để có chi phí vận hành cho giai đoạn Nghiên cứu và Quy hoạch, nhóm dự án Xưởng Lá Mây đã lên kế hoạch xin vốn tài trợ từ nhà trường. Trong các buổi học hàng tuần tại Xưởng, các bạn đã cùng nhau làm việc để xây dựng nội dung cho hồ sơ xin vốn, đồng thời luyện tập kỹ năng thuyết trình.

Img 4667

Trong sự kiện “Lớp học trong suốt”, nằm trong chuỗi sự kiện “Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục” do Maya đồng hành tổ chức cùng các nhà giáo dục tiến bộ, các thành viên dự án đã tổ chức một buổi gọi vốn demo, với khách mời là các thầy cô đại diện của nhà trường. Tại đây, nhóm đã tự tin giới thiệu về mục đích, kế hoạch hoạt động, những lợi ích mà dự án mang đến cho cộng đồng để thuyết phục các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí cho dự án của mình.

Img 6666

Img 6325 Img 6804

Sau buổi gọi vốn demo lần này, nhóm đã nhận được nhiều đóng góp giá trị từ các thầy cô giáo. Từ đó, các bạn tiếp tục điều chỉnh và tối ưu nội dung, cũng như trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt gọi vốn chính thức cho giai đoạn Nghiên cứu và Quy hoạch, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024.

Khảo sát và đo đạc trên thực tế

Sau những buổi học và nghiên cứu về lý thuyết xoay quanh chủ đề về Tín chỉ Carbon, học sinh xưởng Lá Mây Farm được tham gia buổi thực địa trong Campus của Maya, để thực hành đo đạc các chỉ số như chiều cao, đường kính thân cây, sinh khối, lượng Carbon lưu trữ. Trong buổi thực địa này, nhóm đã chủ động phân công chia nhóm, chia khu vực để thực hành đo đạc, tính toán và ghi chép các số liệu cụ thể. Đây là cơ hội để các bạn áp dụng một số kiến thức đã nghiên cứu trước đó vào thực tế, và có hình dung rõ ràng hơn về những nhiệm vụ mà nhóm cần làm trong giai đoạn tiếp theo.

Img 0563

Img 0566 Img 0588

Làm việc và kí kết với đối tác tư vấn

Việc thành lập hồ sơ Tín chỉ Carbon được quốc tế công nhận cần dựa theo những tiêu chuẩn về quy hoạch, chuyên môn kỹ thuật và cơ sở pháp lý nghiêm ngặt. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của dự án, nhóm học sinh nhận thấy nhu cầu cần có sự hướng dẫn và tư vấn từ những đơn vị chuyên gia trong ngành.

Với sự trợ giúp từ các thầy tại Xưởng, nhóm dự án đã tìm đến Công ty Tín Chỉ Carbon Việt Nam – một đơn vị với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tư vấn trong lĩnh vực này.

Hag04191

Hag04373 Hag04200

Đầu tháng 12/2024, nhóm dự án đã có buổi gặp gỡ với đối tác tại trường Maya. Tại đây, các bạn đã được lắng nghe chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm và hỏi đáp cùng chuyên gia đến từ đơn vị này. Đặc biệt hơn, buổi gặp gỡ này cũng đồng thời đánh dấu sự kiện kí kết hợp tác chính thức giữa trường Maya và đơn vị. Từ đây, trong giai đoạn hoạt động sắp tới của dự án, đại diện Công ty Tín Chỉ Carbon Việt Nam sẽ đồng hành cùng học sinh dự án, hướng dẫn các bạn khảo sát, đo đạc, lên kế hoạch quy hoạch khu vực rừng tại Hoà Bình. Thông qua những buổi này, học sinh tại Xưởng sẽ học được quan sát, thực hành và thông qua đó học cách làm việc để có thể chủ động triển khai tiếp dự án trong những giai đoạn tiếp theo.

Hag04464

Hành trình dự án “Tín chỉ Carbon” của học sinh Trung học Maya tại Xưởng Lá Mây sẽ tiếp tục được cập nhật trong bài đăng này. Thân mời cha mẹ cùng theo dõi.

—–

TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA

Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://www.facebook.com/maya.school

Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour

Tư vấn tuyển sinh: 0971508228

Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội