Đối với các em học sinh của Maya School (Thạch Thất, Hà Nội), cụm từ “áp lực thi cử” dường như là một điều gì đó thật xa lạ. Đó là bởi, ở ngôi trường giữa lưng chừng núi này, học sinh không chỉ được kiểm tra, đánh giá bằng những bài viết trên giấy mà còn bằng nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, linh hoạt như dự án thực tiễn, tìm kiếm trạng nguyên, lồng tiếng phim,…
Khi những tiết kiểm tra thật vui và hạnh phúc!
Đã bao giờ phụ huynh nhìn thấy con em mình cười rạng rỡ khi làm bài kiểm tra, hoặc háo hức, mong chờ vì sắp đến ngày thi hay chưa? Chuyện nghe như hoang tưởng nhưng thực chất lại đang diễn ra ở Maya School đó.
Học sinh tiểu học của Maya từng vui hết cỡ khi thay vì kỳ thi truyền thống, thầy cô đã tổ chức sân chơi Trạng nguyên Toán. Đây là nơi mà các em có thể thử thách kiến thức của mình với các câu hỏi Toán và IQ nâng cao. Tham gia cuộc thi, em nào cũng vui vẻ, phấn khởi vì vừa được học vừa được chơi. Qua mỗi câu hỏi, các em lại nắm chắc thêm kiến thức mà không hề bị căng thẳng, áp lực. Có em còn ôm chầm lấy bạn bè, cười hạnh phúc khi trả lời đúng câu hỏi.
Học sinh tiểu học Maya tham gia cuộc thi trạng nguyên Toán.
Hay với môn Địa Lý – bộ môn bị nhiều bạn trẻ đánh giá là khô khan thì với học sinh bậc THCS Maya, nó lại đầy thú vị. Các em được học tập thông qua dự án (Project base learning – PBL) và kiểm tra bằng kết quả của dự án. Với phương pháp học tập này, học sinh được trao quyền và tự tìm hiểu các khái niệm, cũng như quản lý được việc tiếp thu kiến thức.
Với mỗi dự án học tập, các em sẽ chia làm nhiều nhóm để tiến hành nghiên cứu. Mỗi nhóm lại đưa ra một giải pháp giải quyết vấn đề khác nhau, dẫn tới kết quả đa dạng và tất nhiên nó khiến học sinh phải suy nghĩ sáng tạo hơn. Các phiếu tự đánh giá, phản chiếu sẽ được làm với các tiêu chí có thể đo lường được và được sử dụng để đánh giá điểm của học sinh.
Nếu với bài kiểm tra trên giấy, thường học sinh sẽ khó thể hiện hết các kiến thức tổng hợp, các kĩ năng hay năng lực cá nhân thì với hình thức kiểm tra qua dự án, học sinh của Maya được đánh giá, bộc lộ đầy đủ, toàn diện năng lực cá nhân hơn, như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, phản biện, kỹ năng lãnh đạo, cộng tác và làm việc nhóm để hoàn thành dự án chung của nhóm để cho ra lò một thành phẩm dự án hoàn chỉnh.
Chẳng hạn học sinh Maya từng làm một dự án dựng Mô hình địa hình Việt Nam 3D. Các em sau đó phải ngồi lại với nhau, ôn lại kiến thức, vạch rõ mình cần làm những gì, rồi phân chia công việc cho từng thành viên cẩn thận, công bằng và phù hợp.
Thú vị nhất, ắt hẳn là môn Lịch sử, khi học sinh sẽ được đóng vai thành nhân vật lịch sử và lập một trang… Fakebook (trang giả của Facebook) để kể lại cuộc đời, hành trình của mình. Chẳng hạn, các em từng được hóa thân thành các nhà hàng hải nổi tiếng như B. Đi-a-xơ, Va-xcô đơ Ga-ma, C. Cô-lôm-bô, Ph. Ma-gien-lan hay Marco Polo và cập nhật hàng ngày về những chuyến đi, những điều khám phá được.
Cách làm bài kiểm tra môn Lịch sử độc đáo của học sinh Maya
Nói về cách kiểm tra như này, M. Tú (một học sinh cấp THCS của Maya) hào hứng nói: “Em thấy vì có nhiều thời gian chuẩn bị hơn nên áp lực giảm hẳn. Sau mỗi dự án, điều em có được không chỉ là kiến thức mà còn là cơ hội để em phát triển, rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu hay tưởng tượng, trải nghiệm và bộc lộ góc nhìn cá nhân.
Ngoài ra, các hoạt động dự án cũng không bị gò bó theo khuôn mẫu mà cho chúng em cơ hội để phát triển, tưởng tượng và trải nghiệm với góc nhìn cá nhân”.
Một bài kiểm tra định kỳ chắc chắn chưa thể hiện hết các năng lực của học sinh!
Nói về việc chọn lựa cách kiểm tra sáng tạo như này thay cho cách kiểm tra truyền thống, cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS Maya cho hay: Kiểm tra đánh giá là để đo lường hiệu quả trong việc tổ chức học tập, trải nghiệm của giáo viên, năng lực, phẩm chất của học sinh từ đó có thể phát huy hay điều chỉnh trong công tác dạy và học. Do vậy, bên cạnh việc tự đánh giá của học sinh, đánh giá thường xuyên và định kì của giáo viên qua các bài làm, Nhà trường cũng chú trọng việc đa dạng hoá hình thức và phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả, thực chất, thực tiễn”.
Với tinh thần đó, ở Maya, mỗi mùa thi cũng là cơ hội để học sinh thể hiện năng lực cá nhân.
Chẳng hạn, đối với môn Khoa học, một bài kiểm tra bao gồm cả phần bài tập trên giấy và các thao tác thực hành sẽ cho giáo viên cái nhìn đầy đủ hơn về quá trình thu nhận kiến thức và thực hành thực tế. Hay trong môn Ngữ Văn, một bài kiểm tra giấy sẽ chưa thể hiện đủ năng lực của người học về việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, Maya tổ chức bài thi Ngữ văn bao gồm cả 4 kỹ năng: Nghe – nói – đọc – viết để học sinh thể hiện toàn diện hơn năng lực ngôn ngữ của cá nhân.
Thông qua các bài kiểm tra với nhiều cơ hội thể hiện, thầy cô tạo hứng thú cho các em học tập và nghiên cứu.
“Chúng tôi tin rằng, một bài kiểm tra bằng một dự án cá nhân hay nhóm nhỏ cũng chính là cơ hội để các em học thêm những điều mới”, cô Thủy chia sẻ.
Nói thêm về hiệu quả mà cách kiểm tra khác biệt này mang lại, cô Bùi Thu Vân – Giáo viên Sử – Địa cho biết: Trong quá trình làm việc với học sinh, giáo viên ở trường luôn hiểu các em và biết mỗi em sẽ có phong cách học tập riêng, điểm mạnh, điểm yếu khác nhau,… Từ đó, thầy cô thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá bằng các dự án để học sinh có nhiều cơ hội thể hiện kiến thức và năng lực bản thân. Qua mỗi dự án, có nhiều em cũng tự nhận ra được năng lực của mình ở những mảng mới mà từ trước tới nay các em chưa nghĩ tới.
Các con có cơ hội nhiều hơn để khám phá bản thân, được thầy cô và các bạn ghi nhận, từ đó hứng thú hơn với các kiến thức và các dự án mới.
Ở Maya, điểm số là một yếu tố quan trọng bởi vì đây là một tiêu chí để đánh giá, nhìn lại chặng đường học tập đã đi qua của cả thầy và trò. Tuy nhiên, điểm số chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá trong nhà trường.
Nhìn chung, điểm số ở một thời điểm có thể là thông tin để thầy trò tham khảo, nhìn lại xem mình đã được gì, cần cố gắng ra sao hay cách làm việc tiếp theo thế nào. Đặc biệt học sinh có thể xem lại phương pháp học tập của mình đã hiệu quả hay chưa và đặt ra các kế hoạch cá nhân cho thời gian học tập tiếp theo, để cải thiện cả về điểm số và năng lực.