Thiết kế hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó - Dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mộc Mira - Maya School – Trường Phổ Thông Liên Cấp Song Ngữ

Thiết kế hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó – Dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mộc Mira

23.11.2023 2:41:00
Trong chương trình giáo dục thực hành tại Maya, mỗi năm học, học sinh THCS được trực tiếp tham gia vận hành 01 dự án học tập thực tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn 1 trong 7 xưởng thực hành đại diện cho các nhóm ngành trọng điểm để giải quyết 1 vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể. 

Việc tự xây dựng và vận hành một dự án thực tế giúp các bạn học sinh phát triển toàn diện các kiến thức và kỹ năng nằm trong bộ 16 Kỹ năng Thế Kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

THÔNG TIN CHUNG

Năm học 2023 – 2024, dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mộc Mira“Thiết kế hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó”. Dự án hướng tới việc cải tiến, thiết kế và chuyển giao hồ sơ thiết kế hệ vận động sân chơi cho các trường mầm non vùng khó để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ em mầm non vùng khó vì mục tiêu công bằng trong giáo dục. 

Mục đích mà dự án hướng tới bao gồm: 

  • Mục đích cộng đồng: hướng đến 2 trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững của UNDP, bao gồm Mục tiêu số 4 – Chất lượng giáo dục và Mục tiêu số 10 – Giảm bất bình đẳng
  • Mục đích giáo dục: hướng đến rèn luyện và phát triển các kỹ năng bao gồm: Kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng cộng tác, Kiên trì/Bền bỉ, Lên kế hoạch và quản lý dự án, Kiến thức về hình học kỹ thuật như: Khả năng đọc hiểu được bản vẽ, các quy ước trong bản vẽ, mặt cắt, hình chiếu. Biết cách sử dụng các dụng cụ đo trên gỗ, Khả năng vẽ bản vẽ kỹ thuật, Kỹ thuật sử dụng máy và công cụ dụng cụ ngành mộc, Khả năng sử dụng một số máy và dụng cụ phục vụ cho công việc sản xuất mô hình mẫu hệ vận động ngoài trời.

Nhóm dự án tại Xưởng Mộc Mira gồm 7 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9: 

  • Bùi Bình Minh – Học sinh lớp 6 
  • Chử Thanh Hà My – Học sinh lớp 7 
  • Ngô Đặng Hải Phong – Học sinh lớp 7
  • Phạm Tuấn Khôi – Học sinh lớp 7 
  • Tạ Đức Phát – Học sinh lớp 8 
  • Phạm Đình Phong – Học sinh lớp 9
  • Lê Học Minh – Học sinh lớp 9

Với sự hỗ trợ của thầy, cô giáo: 

  • Thầy Nguyễn Hồng Quân – Người Hướng dẫn nghề Mộc 
  • Cô Nguyễn Thị Diệu Linh – Admin Xưởng Mộc & Tự động hóa Mira 

TIẾN TRÌNH DỰ ÁN

Các dự án học tập thực tế của các xưởng thực hành tại Maya đều đi theo tiến trình các giai đoạn: 

  • Phân tích vấn đề và cơ hội
  • Thiết kế và lập kế hoạch 
  • Thực hiện
  • Đánh giá

Phân tích vấn đề và cơ hội

Năm học 2023 – 2024, chủ đề chung mà các dự án học tập thực tế của khối THCS tại Maya hướng tới là các mục tiêu phát triển bền vững. Thay vì được cung cấp một đề bài cụ thể, học sinh sẽ tự thực hiện quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực của xưởng mình để xác định một vấn đề nổi cộm trong xã hội và phương án giải quyết. 

Tại Xưởng Mộc Mira, các bạn học sinh bắt đầu bằng việc vận dụng kiến thức đã có trong môn Nghiên cứu thị trường đầu năm học để tiến hành quá trình nghiên cứu sơ cấp. Sau khi tìm kiếm thông tin trên Internet, sách, báo; nhóm nhận thấy có sự bất bình đẳng về y tế, giáo dục và kinh tế giữa hai nhóm người: tại thành thị và các vùng sâu, vùng xa trên núi. Khi đi sâu vào nghiên cứu hiện trạng tại nhiều địa phương, nhóm nắm được rằng do điều kiện khó khăn về kinh tế, nhu cầu vui chơi của trẻ em tại vùng cao không thật sự được quan tâm đúng mức. Trường học tại các vùng này đang rất thiếu các thiết bị vui chơi được thiết kế riêng để hỗ trợ cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Img 7423

“Các em bé mầm non phải mất 2-3 tiếng chỉ để đi bộ đến trường. Dành ra nhiều thời gian và sức lực đến trường như vậy nhưng môi trường học tập của các em không được đảm bảo: trường học lợp những mái tôn tạm bợ, dùng bạt để làm tường, nhiều trường tốt hơn cũng chỉ làm tường bằng những vách gỗ tận dụng, chắp ghép.” – Nhóm học sinh thực hiện dự án chia sẻ.  

Khi tìm hiểu sâu hơn, các bạn nhận thấy các em nhỏ tại đây thường tự do chạy nhảy, vui chơi ở các khu vực rừng, núi xung quanh dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn. Bất kể nơi nào, từ vệ đường, cho đến những bờ ruộng hay dưới những con suối… đều có thể trở thành không gian chơi đùa. Khi không đến trường, các em ở nhà phụ giúp công việc gia đình, hoặc tụ tập thành nhóm, chơi các trò chơi mà các em tự nghĩ ra. Bên cạnh đó, ở trường Mầm non, học sinh ít được ra ngoài vận động vì ở thiếu hoặc không có các thiết bị vui chơi an toàn. Điều này dẫn đến việc một nhóm trẻ bị thiếu vận động và chưa có sự hào hứng, thích thú khi tới trường.

Khi xem xét vấn đề này và cân đối với năng lực của xưởng, các bạn học sinh mong muốn có thể tác động vào việc nâng cao chất lượng giáo dục về thể chất và tinh thần cho trẻ mầm non ở vùng cao. Theo đó, với đặc thù là xưởng sản xuất Mộc, nhóm định hướng xây dựng và cung cấp hệ vận động, vui chơi lành mạnh, an toàn cho các bạn nhỏ vùng khó, để từ đó tạo điều kiện cho các em có một tuổi thơ tươi đẹp và công bằng với các bạn đồng trang lứa. 

Img 4626

Tuy nhiên, xét trên quy mô nhỏ của Xưởng với các thành viên đều đang trong lứa tuổi học sinh và phải đến trường hàng ngày, dự án khó có thể đáp ứng được nguồn lực cho việc lắp ráp, giám sát và nghiệm thu thi công tại nhiều địa điểm trên vùng cao cách thành phố hàng trăm cây số. Sau khi thảo luận, nhóm đưa ra ý tưởng xây dựng và chuyển giao bộ hồ sơ thiết kế và thi công hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non tới với các đơn vị, tổ chức thường xuyên tham gia các chuyến thiện nguyện, xây điểm trường, để họ có thể dễ dàng triển khai, áp dụng. Đó cũng là hướng đi mà nhóm xác định theo đuổi trong suốt dự án học tập thực tế năm học này.  

Thiết kế và lập kế hoạch 

Hướng đi đã có sẵn nhưng các nghiên cứu của nhóm mới chỉ dựa trên những thông tin một chiều trên Internet, sách, báo. Mặt khác, ở giai đoạn này, nhóm chia thành 2 luồng quan điểm trái ngược nhau: một nhóm khẳng định việc làm các hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó là cần thiết, và nhóm còn lại cho rằng không cần thiết.

Thực địa lần 1

Để tiến hành giai đoạn tiếp theo của dự án, cả nhóm thống nhất rằng cần tổ chức một buổi thực địa – phỏng vấn để quan sát trẻ em mầm non vui chơi và tìm hiểu về một số thiết bị vận động thực tế. Vì vậy, các bạn thực hiện chuyến Thực địa (Outing) đầu tiên tại Trường mầm non Maya Preschool nằm tại Long Biên, Hà Nội.

Đây là địa điểm đã triển khai hệ vận động ngoài trời cho học sinh của trường. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu đối tượng, nhóm được biết rằng cô Ly – Hiệu trưởng trường mầm non Maya Preschool cũng là người thường xuyên tham gia các chuyến thiện nguyện cho trẻ em ở các vùng khó khăn. Từ đó, các bạn học sinh tại xưởng Mộc Mira hy vọng có thể thu thập được nhiều thông tin giá trị cho dự án mà mình đang ấp ủ. 

Trước buổi thực địa, nhóm đã dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm:

  • Biên soạn bảng hỏi, lên kịch bản phỏng vấn
  • Phân công công việc như phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, quay chụp, đo đạc kỹ thuật, khảo sát sân chơi cho trẻ mầm non ở thành phố… 
  • Liên hệ đại diện Trường mầm non Maya để hẹn lịch phỏng vấn

Img 9669

Img 9690 Img 9695

Buổi thực địa đã diễn ra tại cơ sở Trường mầm non Maya Preschool tại Long Biên, Hà Nội. Tại đây, theo kế hoạch, nhóm đã có các hoạt động:

  • Tham khảo một hệ vận động ngoài trời thực tế để hiểu cấu tạo và nguyên lý, tiến hành đo đạc, quan sát các mối nối, kết cấu của các chi tiết trong các thiết bị vui chơi…
  • Quan sát các em học sinh mầm non vui chơi, hoạt động 
  • Phỏng vấn cô Ly – đại diện trường Maya Preschool về nhu cầu và tiêu chí chọn hệ vận động ngoài trời cho học sinh

Đối mặt với những tranh luận

Trở về từ chuyến thực địa, mặc dù thu được một số thông tin hữu ích về hệ vận động nhưng nhóm dự án vẫn phân hóa thành 2 nhóm quan điểm trái ngược. Mỗi nhóm đều đưa ra những luận điểm mạnh mẽ để củng cố ý kiến của mình:

Nhóm đầu tiên cảm thấy việc xây dựng hệ vận động là không cần thiết bởi: 

  • Trẻ em vùng núi vốn đã có rất nhiều không gian vui chơi ngoài trời 
  • Các bạn thường xuyên vận động qua các hoạt động leo dốc, leo núi, trèo cây,… nên không cần thiết phải có thêm hệ vận động, trẻ vẫn có thể phát triển tốt

Nhóm còn lại đồng tình với ý kiến nên xây hệ vận động cho trẻ vùng cao với các lý do:

  • Cho trẻ được phát triển khỏe mạnh và an toàn về thể chất, tinh thần
  • Hệ vận động có thể trở thành động lực để trẻ yêu thích đến trường, góp phần thúc đẩy nỗ lực động viên trẻ đi học tại các địa phương vùng sâu, vùng xa
  • Nếu không có hệ vận động, trẻ tự do chạy nhảy tại các vùng rừng, núi dễ dẫn đến mất an toàn

Img 7923

Trước hai luồng ý kiến ấy, nhóm nhận ra rằng những thông tin đang có vẫn chưa đủ để đưa đến một quyết định cuối cùng. Chuyến đi đến Trường mầm non Maya mặc dù mang lại nhiều thông tin bổ ích về việc xây dựng hệ vận động như thế nào, song đây lại là góc nhìn từ một ngôi trường hiện đại, tiện nghi tại thủ đô, vì vậy khó có thể lấy đó làm mẫu số chung cho các trường tại vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cần có một chuyến thực địa lên một số địa điểm tại vùng cao để trực tiếp phỏng vấn hiệu trưởng và các thầy cô giáo địa phương về tình hình thực tế.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhóm dự án lại vấp phải khó khăn về địa lý và thời gian bởi các bạn vẫn phải lên lớp mỗi ngày, trong khi việc thực địa đến các tỉnh đòi hỏi rất nhiều thời gian mà lịch học tập không thể đáp ứng được. 

Vậy làm thế nào để có nguồn thông tin tin cậy, sát với tình hình thực tế tại địa phương? – Đó là câu hỏi mà nhóm trăn trở tìm lời giải trong giai đoạn này. 

Phỏng vấn lần 2

Qua quá trình tìm hiểu và kết nối với các mối quan hệ, các bạn học sinh biết tới một dự án cộng đồng có tên “Ngôi Trường Ước Mơ”. Các cô chú tại đây thường xuyên tham gia hoạt động thiện nguyện xây trường cho các trẻ em vùng khó. Nhóm đã chủ động liên hệ đặt lịch hẹn với chú Quân – đại diện nhóm Ngôi Trường Ước Mơ để phỏng vấn lấy thêm thông tin.

Lần này, rút kinh nghiệm từ lần phỏng vấn đầu tiên, nhóm dự án đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể liên quan đến nhu cầu về hệ vận động, vui chơi tại các trường khó khăn. Thông tin thu được bao gồm: 

  • Các trường ở vùng cao có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất thiếu thốn nên không có khả năng xây dựng những hệ vận động riêng cho học sinh 
  • Khi không có không gian vui chơi trong trường, học sinh thường trèo cây, trượt sườn đồi, đôi khi còn đùa nghịch ở những nơi nguy hiểm 
  • Các trò chơi “tự chế” không được thiết kế để giúp trẻ phát triển toàn diện 
  • Việc sử dụng các thiết bị vui chơi ngoài trời đôi khi phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian, thời tiết; vì vậy nhóm nên cân nhắc triển khai thêm các thiết bị vui chơi trong nhà

Với những thông tin này, nhóm dự án tại Xưởng Mộc Mira rút ra kết luận rằng Hệ vận động, vui chơi cho trẻ em là cần thiết và bắt tay vào thực hiện dự án. 

Img 7734

Cũng trong giai đoạn này, các bạn học sinh được hướng dẫn để tự thiết kế kế hoạch cho dự án của mình bao gồm: 

  • Kế hoạch sản xuất
  • Kế hoạch tài chính
  • Phương án quản lý rủi ro
  • Cách đánh giá kết quả, hoạt động
  • Thiết lập kênh chia sẻ thông tin phù hợp giữa các thành viên và thầy cô trong xưởng

Thực hiện

Sau khi đã thống nhất hướng đi cho dự án, nhóm học sinh bắt tay vào giai đoạn tiếp theo: Thực hiện kế hoạch đã đề ra. 

Học kỹ thuật và làm mô hình

Do đặc thù của Xưởng Mộc cần phải trang bị những kỹ thuật về chuyên môn, các bạn học sinh đã dành thời gian nghiên cứu, làm việc với thầy Quân – chuyên gia về ngành Mộc để hiểu và biết cách làm việc với các loại máy móc, công cụ. Trong giai đoạn này, các bạn đã học được: 

  • Nguyên lý cơ bản của vẽ kỹ thuật
  • Đọc bản vẽ kỹ thuật và cách đo đạc để điền vào bản vẽ kỹ thuật
  • Thực hành cắt chi tiết theo bản vẽ cơ bản
  • Thực hành làm mô hình vui chơi dựa trên bản vẽ có sẵn 
  • Cách sử dụng các công cụ như máy cưa, máy chà nhám,… để sản xuất 

Img 0018

Ở giai đoạn này, nhóm dự án thực hiện song song 2 công việc, vừa vẽ kỹ thuật các chi tiết, vừa làm mô hình theo bản vẽ để tính kết cấu và điều chỉnh lại kích thước phù hợp cho bản vẽ hoàn thiện. Khi làm mô hình mẫu từ bản vẽ kỹ thuật, các bạn gặp phải khó khăn trong việc tính kết cấu, thi công trên chất liệu gỗ và theo dõi sự co ngót, cong vênh của gỗ. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thi công sản phẩm thực tế để theo dõi được chính xác nhất.

Ý tưởng về hệ vận động tại trường Maya

Với mong muốn thi công thực tế, nhóm đã quan sát sân trường Maya Thạch Thất và nhận thấy có 1 khoảng sân cỏ trống có thể đặt các hệ vận động của mình. Thêm vào đó, các em lứa tuổi Tiền Tiểu học tại Maya cũng có nhu cầu sử dụng các hệ này. 

Từ đó, một thành viên trong nhóm đã đề xuất phương án thử nghiệm làm một hệ vận động ngay tại trường Maya dành cho khối Tiền Tiểu học và đề xuất ý tưởng này với các thầy cô. Để xác định rõ nhu cầu và thu thập thông tin phục vụ cho quá trình thử nghiệm, nhóm dự án đã có buổi khảo sát tại sân chơi của các em nhỏ, trong đó các bạn tiến hành:

  • Đo đạc kích thước sân chơi để vẽ bản vẽ kỹ thuật 
  • Đo chiều cao trung bình của các em học sinh khối Tiền tiểu học để tính toán cụ thể về thông số kích thước và tỷ lệ phù hợp 
  • Phỏng vấn cô giáo khối Tiền tiểu học về hoạt động và nhu cầu của các em nhỏ 
May00662 (1) May00681

May00696

Phân tích và xử lý thông tin

Sau buổi khảo sát, nhóm đã tổng hợp được nhiều thông tin để bóc tách và vẽ bản vẽ kỹ thuật chi tiết. Với sự đồng hành và tư vấn của thầy chuyên gia, nhóm dần định hình kết cấu cho các thiết bị, bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng mô hình mẫu. 

Img 3245

Img 0050 Img 0076

Đầu tiên, các bạn xác định những hệ sẽ làm ở sân trường Maya, rồi bắt tay vào việc thiết lập các thông số và thiết kế bản vẽ cho các thiết bị vui chơi. Song song với quá trình đó, một nhóm tiến hành làm mô hình mẫu theo tỉ lệ 1:10.

Giới thiệu mô hình và xin tài trợ

Để có kinh phí triển khai xây dựng hệ vận động trong giai đoạn tiếp theo của dự án, nhóm học sinh bắt đầu chuẩn bị hồ sơ giới thiệu sản phẩm và kêu gọi tài trợ để gửi đến nhà trường.

Trong quá trình này, các bạn phân công nhau tham khảo giá thành nguyên liệu, thi công và lắp đặt tại xưởng Mộc ở địa phương. Để buổi giới thiệu sản phẩm diễn ra suôn sẻ và đạt được mục tiêu như kỳ vọng, nhóm đã có sự chuẩn bị:

  • Xác định chân dung khách hàng tiềm năng
  • Xây dựng bảng báo giá với từng thiết bị
  • Chuẩn bị bản vẽ thiết kế cho một số thiết bị thử nghiệm
  • Luyện tập thuyết trình báo cáo về nội dung, mục đích của dự án, phương án sẽ triển khai tại trường Maya.
  • Chuẩn bị sẵn các câu hỏi, tình huống phản biện
  • Đặt lịch hẹn giới thiệu với khách hàng.

Đầu tháng 01/2024, nhóm dự án đã có buổi trình bày và giới thiệu sản phẩm trước cô Phạm Hoài Thu – đại diện BGH Maya.

Dự án thực tế xưởng Mộc Mira

Img 7883

Sau khi lắng nghe nhóm học sinh giới thiệu về mục tiêu và kế hoạch của dự án, và quan sát mô hình trực quan mô tả hệ vận động mà nhóm dự định thi công và lắp đặt tại Maya, cô Hoài Thu đã đồng ý đặt hàng sản phẩm của xưởng Mira, dự kiến sẽ đặt tại sân chơi dành cho các em nhỏ mầm non trong khuôn viên của Maya Thạch Thất. Bên cạnh đó, cô giáo cũng chia sẻ những góp ý để các bạn tiếp tục hoàn thiện hơn về sản phẩm trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán.

Sau buổi thuyết trình với cô Hoài Thu, các bạn học sinh đã họp lại và thống nhất một số điều chỉnh về sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của khách hàng bao gồm:

  • Điều chỉnh lại kích thước của hệ chữ A để phù hợp với chiều cao của học sinh mầm non
  • Tận dụng nguyên vật liệu có sẵn (lốp xe) để giảm chi phí
  • Đề xuất phương án thử nghiệm bảo quản chân gỗ cho hệ vận động

Sau khi nhận được xác nhận và đồng ý từ phía nhà trường, nhóm dự án đã soạn hợp đồng mua bán và hoàn thành công việc ký kết để chuyển sang giai đoạn thi công và lắp đặt.

Thi công và lắp đặt Mẫu thử 1 (Hệ vận động tại Maya)

Theo kế hoạch đã đề ra, hệ vận động tại Maya sẽ bao gồm:

  • Hệ xà đu
  • Hệ leo trèo chữ A
  • Hệ thăng bằng
  • Hệ bập bênh

Thời gian thi công, lắp đặt và bàn giao mà nhóm tự tin đề xuất với nhà trường là 2 tuần.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thi công, những khó khăn bắt đầu xuất hiện.

Khó khăn đầu tiên đến từ hạn chế về mặt thời gian. Với 2 buổi chiều mỗi tuần, nhóm không có đủ thời gian để vừa thi công, vừa lắp đặt và chỉnh sửa, nhất là khi công đoạn sơ chế các nguyên vật liệu tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, để đảm bảo đáp ứng mốc bàn giao đã hẹn cho nhà trường, các bạn đã chủ động phân công nhau làm thêm giờ vào các ngày thứ 7 và buổi tối – đối với các bạn sinh sống ở gần trường.

Img 5547

Img 2215 Img 9619

Bên cạnh đó, mặc dù đã chuẩn bị sẵn bản vẽ kỹ thuật, nhưng khi thi công thực tế, nhiều chi tiết trong bản vẽ không khớp và không thể áp dụng. Trước vấn đề này, các bạn đã chủ động điều chỉnh lại bản vẽ của mình để phù hợp với sản phẩm thật.

Ngoài ra, thời gian thi công gấp gáp cũng kéo theo rắc rối trong việc đặt hàng nguyên vật liệu. Không chỉ chi phí giao hàng nhanh tăng lên mà chất lượng vật liệu cũng không hoàn toàn đạt tiêu chuẩn như kỳ vọng. Đây là một bài học mà các bạn đã rút ra trong việc quản lý thời gian, dự trù cho những tình huống phát sinh.

Cũng trong giai đoạn này, dựa trên năng lực của xưởng, nhóm cũng chủ động thuê nhân công bên ngoài để hoàn thành những chi tiết phức tạp, đòi hỏi kỹ năng và sự chính xác cao như hàn cơ khí hệ xà đu, dựng khung theo thiết kế của nhóm,… Phần chi phí này đã được khảo sát trước đó và cân đối trong kế hoạch tài chính mà nhóm đề xuất với nhà trường.

Khi chuyển sang công đoạn lắp đặt, nhóm dự án lúc này phải tranh thủ cả những khoảng nghỉ giữa các buổi học để đo và khoanh mặt bằng, đào hố, chôn cọc, đổ bê tông và lắp hệ vận động vào vị trí đã tính toán.

Sau 2 tuần lễ làm việc chăm chỉ với rất nhiều giờ “tăng ca”, nhóm dự án đã hoàn thành hệ vận động vui chơi đặt tại sân chơi cho các em mầm non tại Maya. Tại buổi Hội Làng Maya, nhóm học sinh chính thức bàn giao và khánh thành hệ này trong niềm vui và sự tự hào của cha mẹ, thầy cô và bạn bè.

Img 6669

14

Không dừng lại ở đó, nhóm tiếp tục dành thời gian quan sát các em nhỏ chơi và thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình. Khi nhận thấy những vấn đề phát sinh, nhóm đã đề xuất với thầy cô tổ chức bảo dưỡng, đồng thời thiết kế thêm phần hướng dẫn sử dụng hệ vận động – với mong muốn các em nắm rõ cách chơi đúng để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển thể chất.

Chuẩn bị lắp đặt Mẫu thử 2 (Hệ vận động tại vùng cao Sơn La)

Hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trên Mẫu thử 1 – Hệ vận động tại Maya, nhóm dự án tiếp tục chuyển sang chặng 2 – lắp đặt 1 hệ vận động ở vùng cao.

Sau khi liên hệ với một số tổ chức từ thiện – xây trường, các bạn thống nhất sẽ phối hợp với nhóm Ngôi Trường Ước Mơ vì nhóm chuẩn bị khánh thành một điểm trường trong tháng 3 – tháng 4 năm nay. Thời gian này khớp với tiến độ dự kiến của dự án.

Theo đó, các bạn học sinh đã xin phép được lắp đặt thử nghiệm hệ vận động mà mình thiết kế trong khuôn viên ngôi trường đang xây, và nếu lắp đặt thành công, nhóm sẽ bàn giao bộ hồ sơ thiết kế cho tổ chức để họ tiếp tục nhân rộng mô hình cho những điểm trường khác sau này.

Để khảo sát nhu cầu và mặt bằng cho mẫu thử của mình, đại diện nhóm và các thầy cô tại xưởng Mộc Mira đã có chuyến đi thực tế lên điểm trường tại Sơn La trong 2 ngày cuối tuần. Tại đây, các bạn đã:

  • Quan sát cách các em nhỏ tại trường Hua Kìm – Sơn La vui chơi hàng ngày
  • Phỏng vấn cô giáo và các em nhỏ về nhu cầu vận động
  • Đo đạc không gian, khảo sát mặt bằng
  • Tìm kiếm nguồn nhân công để thuê thi công (nếu có)
Img 2734 122
11 10

Do đặc thù về địa lý, xung quanh khu vực trường Hua Kìm không có nhân lực chuyên về thi công mộc, vì vậy để đảm bảo các yêu cầu về kĩ thuật, nhóm thống nhất tự thi công và thuê làm sản phẩm tại Thạch Thất, sau đó sẽ thuê xe tải để vận chuyển và lắp đặt tại Sơn La.

Sau chuyến đi thực tế lần này, kết hợp với kinh nghiệm rút ra sau Mẫu thử 1 tại trường Maya, nhóm dự án bắt đầu lên ý tưởng và kế hoạch thi công hệ vận động cho điểm trường Hua Kìm.

Vì đặc thù thời tiết và vị trí, nhóm đã có những điều chỉnh so với hệ vận động tại Maya như giảm sử dụng gỗ, giảm chôn đất và thay bằng cách đổ bê tông, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế như lốp xe,… Ngoài ra, nhờ chuyến đi thực tế, nhóm đã quan sát được một bể nước có sẵn và không ai dùng đến, và quyết định tận dụng bể này làm một phần cho hệ vận động của mình.

Song song với đó, nhóm các thầy cô giáo tại Xưởng cũng tiến hành khảo sát lần 2 tại Sơn La để lấy thêm một số số liệu chuẩn cho bước thi công.

Img 3759

Trong khoảng thời gian tháng 03/2024, nhóm đã tiến hành:

  • Bóc tách chi tiết các thiết bị trong hệ vận động
  • Tính toán chi phí cần thiết
  • Tìm nhà cung cấp nguyên vật liệu

Nguồn kinh phí để triển khai giai đoạn này đến từ các nguồn:

  • Quỹ ủng hộ từ dự án của một số xưởng, đơn vị sau ngày Hội Làng Maya
  • Quỹ ủng hộ từ cha mẹ và thầy cô sau khi nhóm viết thư kêu gọi ủng hộ. (Thư kêu gọi đóng góp của học sinh dự án tại đây)

Lắp đặt hệ vận động tại điểm trường Hua Kìm

Để chuẩn bị cho công trình hệ vận động tại Hua Kìm, từ 1 tháng trước ngày khởi công, nhóm dự án tại Xưởng Mira đã chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, thiết bị và thi công sẵn một phần của hệ tại Xưởng Mira. Khi đã sẵn sàng, nhóm thuê xe tải để chở trang thiết bị, vật dụng lên điểm trường trước để tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển và lắp đặt.

Tuần giữa tháng 04/2024, nhóm đã di chuyển hàng trăm cây số đến Hua Kìm và dành 4 ngày tại đây để thi công lắp đặt hệ vận động.

438255395 838541741650411 2646402381617375246 N

Tại đây, nhóm học sinh và các thầy cô tại Xưởng đã dành 03 ngày thi công liên tục dưới cái nắng vùng cao Sơn La và tăng ca đến tối muộn để kịp hoàn thành công trình

▪️ Chuẩn bị mặt bằng thi công và tập kết vật liệu
▪️ Tính toán và sắp xếp bố cục cho phù hợp với điều kiện thực tế
▪️ Tiến hành thi công hệ vận động: khoan bắt vị trí, đổ bê tông, lắp đặt, sơn sửa và hoàn thành
▪️ Bàn giao hệ vận động cho điểm trường Hua Kìm

Img 3269 Img 2860

Img 2949

Đêm đến, nhóm cùng nhau ngủ trong những chiếc lều dựng tại nhà văn hoá bản, quây quần bên bữa cơm ấm áp với cá tép kho, và chia sẻ với nhau rất nhiều kỷ niệm mà ở thành phố chưa từng trải nghiệm.

Tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ ngơi, các bạn còn tổ chức các hoạt động tinh thần ý nghĩa dành cho các em nhỏ khó khăn tại đây như:

▪️ Tổ chức rạp chiếu phim lưu động với đầy đủ bánh kẹo, nước dâu dành cho các em nhỏ trong bản
▪️ Tặng quà và bánh kẹo do nhóm học sinh và thầy cô xưởng Maya Kitchen và Xưởng Thủ công Mỡ chuẩn bị
▪️ Tổ chức hoạt động đóng đồ chơi Máy Bay Gỗ cho các em nhỏ
▪️ Giao lưu và trò chuyện cùng các em

Img 2580 Img 2801
Img 3122 Img 2830

Sau 03 ngày thi công, nhóm đã hoàn thành và bàn giao công trình cho trường mầm non Hua Kìm, với 05 hệ gồm:

▪️ Hệ thăng bằng: Thăng bằng bậc leo và Thăng bằng Zig Zac
▪️ Hệ xà đu
▪️ Hệ bập bênh
▪️ Hệ hầm chui
▪️ Cầu trượt liên hoàn

Lễ khánh thành hệ vận động được tổ chức giản dị với sự tham gia của chú Chủ tịch xã và cô Hiệu trưởng trường mầm non Hua Kìm.

Img 3647

438241885 838562518315000 8810451096235163759 N

Chuyến đi khép lại thành công khi cả nhóm chứng kiến các em nhỏ tại đây vui vẻ, háo hức vui đùa với những chiếc cầu trượt, bập bênh… mới khánh thành mà chính tay các bạn đã xây dựng.

Những gì để lại sau 4 ngày ở Hua Kìm không chỉ là một hệ vận động hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của những em nhỏ khó khăn, mà còn là rất nhiều bài học, kỷ niệm khó quên với nhóm học sinh của Maya. Đó là sự thấu cảm, tình yêu thương, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và lòng tin mạnh mẽ vào sức mạnh của bản thân.

438204877 838545118316740 2092127619698684539 N Img 3701
Img 3762 438259479 838541888317063 7034361704857913370 N

Các giai đoạn tiếp theo 

Trở về từ Hua Kìm, nhóm dự án sẽ cùng nhau tổng kết lại chuyến đi, đánh giá về công trình, chỉnh sửa lại bản vẽ và hoàn thiện bộ hồ sơ của mình.

Song song với đó, nhóm tiến hành liên hệ thêm với các tổ chức, đơn vị xây trường trên khắp cả nước, với mong muốn chuyển giao các bộ hồ sơ để nhiều hệ vận động sẽ được xây lên trong tương lai, và thật nhiều những em nhỏ vùng sâu, vùng xa được vui chơi và phát triển lành mạnh.

NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ NHỮNG BÀI HỌC

Là một trong những ngành thuộc nhóm Kỹ thuật Công nghiệp, ngành Mộc hấp dẫn các bạn học sinh bởi cho phép các bạn được sáng tạo các sản phẩm bằng gỗ từ ý tưởng đến thực tế, và được tiếp cận với các công cụ sản xuất, máy móc kỹ thuật trong suốt quá trình. Tuy nhiên, để thực hiện một dự án thực tế về sản xuất trong ngành Mộc, song song với hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lại không hề đơn giản, nhất là đối với các bạn học sinh cấp 2.

Img 0054

Đối với dự án “Thiết kế hệ vận động vui chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó” của học sinh tại xưởng Mộc Mira, khó khăn đầu tiên đến từ việc có rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới cần tiếp thu và áp dụng ngay khi vận hành dự án. Vì thành viên trong nhóm trải đều từ lớp 6 đến lớp 9, có bạn đã có kiến thức cơ bản về bản vẽ kỹ thuật từ quá trình học trên lớp, có bạn lại cần học từ đầu. Sự khác biệt trong nhận thức và tâm lý của từng độ tuổi cũng rõ ràng khiến cho việc học và phối hợp công việc với nhau ban đầu cũng gặp phải một số khó khăn. Tuy nhiên, các bạn đã biết chủ động phân công công việc, giúp đỡ nhau học và bổ sung kiến thức còn thiếu để quá trình làm việc diễn ra trôi chảy. 

Mặt khác, quy mô của dự án năm nay không nhỏ, cần kết nối và làm việc với các điểm trường ở vùng xa; đồng thời việc nghiên cứu kết cấu cũng là công việc rất phức tạp. Trong khi đó, các bạn học sinh cấp 2 lại chưa có nhiều trải nghiệm làm việc, lập kế hoạch và điều phối. Trước khó khăn ấy, được sự hỗ trợ của thầy cô, nhóm đã chia nhỏ các nhiệm vụ, lập kế hoạch thời gian với phân công nhân sự rõ ràng. Công việc được thực hiện theo từng bước, vướng mắc ở đâu, giải quyết tại đấy. Cứ tuần tự như vậy, dự án của các bạn đang bước từng bước vững chắc đến mục tiêu của mình. 

Img 0084

Với tinh thần học sinh là người chịu trách nhiệm chính cho dự án, tự lên kế hoạch, quản lý, vận hành và đưa ra các quyết định, các thầy cô tại Xưởng Mộc Mira chỉ là những người đồng hành, quan sát và hỗ trợ khi các bạn cần. Ví dụ, trong giai đoạn nhóm cần vẽ bản vẽ kỹ thuật, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành, các bạn phải nhờ đến sự tư vấn của thầy Quân để biết cách tính toán kết cấu sao cho ra được sản phẩm mẫu có tính ứng dụng cao nhất. Hay khi cần hoàn thiện bộ hồ sơ giới thiệu sản phẩm – một phần kiến thức mới với cả nhóm, các bạn đã chủ động tìm hiểu thông tin trên internet và các kênh khác, để rồi xây dựng nội dung của bộ hồ sơ với mục đích thuyết phục khách hàng đồng ý với sản phẩm của nhóm. Trong quá trình làm, các bạn chủ động hoàn thiện các nội dung theo phân công. Sau đó, nhóm có thể đề xuất với thầy cô để được hỗ trợ rà soát cùng ở những khâu cuối cùng.  

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dự án hoạt động cho đến nay, cô Linh và thầy Quân từ Xưởng Mộc Mira chia sẻ về một lần nhóm gặp bế tắc ở việc bóc tách các chi tiết kỹ thuật trong bản vẽ sản phẩm, không có số liệu thực tế để triển khai vào bản vẽ của mình. Khi ấy, nhóm dành rất nhiều thời gian để thảo luận phương án xử lý, nhưng chưa thể đi được đến thống nhất. Có một bạn học sinh đã đề xuất tạm dừng thảo luận về số liệu thực tế vì chưa đủ cơ sở chứng minh số liệu, và chủ động mượn thước đo ở xưởng để tự tiến hành đo hệ vận động tại nơi bạn sinh sống. Vào buổi học sau đó, bạn trình bày trước cả lớp số liệu chi tiết mà mình đo được và còn chia sẻ rằng đã rủ được anh em trong gia đình cùng thực hiện và quay video lại cả quá trình. 

Sự trưởng thành của các bạn học sinh không chỉ nằm ở kiến thức, kỹ năng mà còn là thái độ, tinh thần chủ động, nhiệt tình trong công việc, đó cũng là điều khiến các thầy cô trong xưởng rất tự hào khi dõi theo hành trình của các bạn. 

Img 5515

“Giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đề xuất và giới thiệu sản phẩm là giai đoạn thầy cô chứng kiến rõ nhất sự thay đổi tích cực của các bạn trong nhóm. Ở thời gian đầu, việc phải nghiên cứu lượng kiến thức lớn khiến các bạn cảm thấy phần nào uể oải, nhất là với những bạn có tính cách nhiều năng lượng. Dù vậy, nhóm vẫn kiên trì lên xưởng và hoàn thiện các công việc của mình. Càng về gần cuối chặng 1 dự án, các bạn càng hào hứng và chăm chút cho công việc hơn, từ việc chủ động lên checklist cần làm, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực mỗi thành viên, cho đến tự tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề. Từ giai đoạn này, các bạn cũng rất tập trung và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Nhận thấy khối lượng công việc không thể giải quyết chỉ ở những khoảng thời gian lên xưởng, nhóm đã chủ động phân chia và tranh thủ nghiên cứu thêm vào những khoảng thời gian rảnh; đồng thời nhờ thầy cô hỗ trợ khi cần. Thậm chí, có lần một nhóm học sinh còn xin thầy cô và cha mẹ cho lên xưởng vào ngày thứ 7 để hoàn thành công việc đang dang dở.

Thầy cô cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động khi quan sát thấy sự thay đổi tích cực ấy trong từng bạn, và cũng rất tin tưởng rằng với dự án lần này, các con chỉ thu được những bài học, kiến thức về quản lý dự án, về kỹ thuật chuyên môn ngành Mộc mà còn là những giá trị nhân văn – tình yêu thương, sự sẻ chia, kết nối từ trái tim tới trái tim”. – Thầy Quân chia sẻ.  

Maya chúc dự án “Thiết kế hệ vận động vui  chơi cho trẻ em mầm non ở vùng khó” của các bạn học sinh THCS Maya tại Xưởng Mộc Mira sẽ thành công tốt đẹp. 

Thông tin tiếp theo về hoạt động của dự án sẽ được Maya cập nhật trong bài viết này. Mời cha mẹ cùng theo dõi.