Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam - Dự Án Cộng Đồng của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mỹ thuật LEA

Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam – Dự Án Cộng Đồng của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mỹ thuật LEA

23.11.2023 3:13:00
Trong chương trình giáo dục thực hành tại Maya, mỗi năm học, học sinh THCS được trực tiếp tham gia vận hành 01 dự án học tập thực tế hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn 1 trong 7 xưởng thực hành đại diện cho các nhóm ngành trọng điểm để giải quyết 1 vấn đề kinh tế, xã hội cụ thể. 

Việc tự xây dựng và vận hành một dự án thực tế giúp các bạn học sinh phát triển toàn diện các kiến thức và kỹ năng nằm trong bộ 16 Kỹ năng Thế Kỷ 21 theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

THÔNG TIN CHUNG

Trong năm học 2023 – 2024, dự án học tập thực tế của học sinh THCS Maya tại Xưởng Mỹ thuật LEA là “Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Dự án hướng đến việc tạo ra các tác phẩm tranh, tượng từ các yếu tố tạo hình và câu chuyện văn hóa của các dân tộc để thúc đẩy người trẻ quan tâm và tìm hiểu văn hóa đất nước mình, từ đó yêu quê hương hơn và biết tôn trọng sự khác biệt. 

Mục đích mà dự án hướng tới bao gồm: 

  • Mục đích cộng đồng: dự án hướng tới 2 trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của UNDP, bao gồm Mục tiêu số 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm và Mục tiêu số 15 – Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đấtLựa chọn các chất liệu sáng tác thân thiện với môi trường, trong đó ưu tiên chất liệu gỗ, dự án mong muốn tạo nên các tác phẩm tượng, tranh có giá trị bền vững để lan tỏa vẻ đẹp và thúc đẩy nhận thức về văn hóa của các dân tộc đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
  • Mục đích giáo dục: dự án tập trung đào tạo cho học sinh những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho đời sống thực tế khi trưởng thành, đặc biệt là bộ 16 Kỹ năng của thế kỷ 21 như: Học vấn nền tảng (Đọc – Viết, Số học, Tài chính, Văn hóa – Con người, Công nghệ thông tin); Năng lực (Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giao tiếp, cộng tác, sáng tạo,…), Phẩm chất (Sáng kiến, tò mò, bền bỉ,…). Bên cạnh đó, học sinh cũng được kỳ vọng sẽ học được các kỹ năng cụ thể khi vận hành 1 dự án như kỹ năng lập kế hoạch, điều phối, quản lý thời gian, quản lý nhân lực,… và có hiểu biết cơ bản về Văn hóa và Điêu khắc.

Img 7641

Nhóm dự án tại Xưởng Mỹ thuật LEA gồm 11 bạn học sinh thuộc các khối lớp 6, 7 và 9: 

  • Nguyễn Thu Thủy – Học sinh lớp 6
  • Đỗ Đăng Khánh – Học sinh lớp 6 
  • Phan Minh – Học sinh lớp 6
  • Nguyễn Nhật Lâm – Học sinh lớp 6
  • Đỗ Nguyễn Như Ngọc – Học sinh lớp 7
  • Nguyễn Đông Phong – Học sinh lớp 7
  • Nguyễn Hải Dương – Học sinh lớp 7
  • Lê Ngọc Linh – Học sinh lớp 7
  • Trương Minh Minh – Học sinh lớp 7
  • Nguyễn Đình Nguyên – Học sinh lớp 9
  • Hồ Vũ Hà Anh – Học sinh lớp 9

Với sự đồng hành của các cô giáo: 

  • Cô Đỗ Thị Thanh Hương – Chủ Xưởng Mỹ thuật LEA
  • Cô Trần Trúc Anh – Giáo viên Mỹ thuật LEA 

TIẾN TRÌNH DỰ ÁN

Các dự án học tập thực tế của các xưởng thực hành tại Maya đều đi theo tiến trình các giai đoạn: 

  • Nghiên cứu và xác định mục tiêu
  • Thiết kế và lập kế hoạch 
  • Thực hiện
  • Đánh giá

Nghiên cứu và xác định mục tiêu

Cũng như các dự án học tập thực tế khác tại Maya, dự án “Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Xưởng Mỹ thuật LEA bắt đầu bằng việc xác định vấn đề, sau đó mới tính toán đến mục tiêu và các nội dung, hoạt động cụ thể của dự án. 

Đầu năm học, trong quá trình thảo luận để tìm kiếm ý tưởng chủ đề cho dự án thực tế năm nay, các bạn học sinh đã xác định được một vấn đề nổi cộm trong xã hội: Một bộ phận người trẻ đang chưa thực sự am hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam, trong khi sự hiểu biết này là tiền đề quan trọng để mỗi người biết yêu, tôn trọng và tự hào về đất nước. Khởi đầu từ thực trạng đó, xét trên lĩnh vực và năng lực của Xưởng mình, nhóm dự án mong muốn có thể tự tay sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính văn hóa của các dân tộc, để từ đó thúc đẩy nhận thức và lan tỏa tình yêu đối với văn hóa cho cộng đồng người trẻ. 

Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA - Maya School

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là:

“Làm thế nào để dự án hướng đến mục tiêu phát triển bền vững?”

Để trả lời câu hỏi này, trước hết học sinh cần hiểu rõ khái niệm “Phát triển bền vững” cũng như mục tiêu mà dự án cần hướng đến. Xưởng LEA đã cùng nhau tìm hiểu và ôn lại kiến thức về 17 Mục tiêu phát triển bền vững của UNDP. Trong quá trình này, nhóm đã xác định được 2 mục tiêu phù hợp với tính chất của Xưởng và dự án, bao gồm: 

  • Mục tiêu số 12 – “Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm”
  • Mục tiêu số 15 – “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất

Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA - Maya School

Để hướng đến 2 mục tiêu này, nhóm chọn tác động vào khía cạnh “chất liệu” trong sáng tác. Theo đó, các bạn tổng hợp các chất liệu và phân tích những tác động tích cực – tiêu cực của từng loại đối với mục tiêu số 12 và 15. Đâu là loại chất liệu ít gây ảnh hưởng đến môi trường, dễ tận dụng từ tài nguyên có sẵn, có tính ứng dụng cao và giá trị sử dụng lâu dài? Cuối cùng, nhóm đi đến thống nhất: ưu tiên sử dụng gỗ ghép thanh và gỗ vụn mua lại tại các xưởng mộc địa phương trong khu vực Thạch Thất để sáng tác dự án của mình. 

Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA - Maya School

Hướng đi đã dần thành hình. Tuy nhiên, để tuyên truyền và lan tỏa những vẻ đẹp về văn hóa đến với cộng đồng, mỗi thành viên của dự án cũng cần nắm chắc những kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc. Ở bước đầu tiên, các bạn cùng nhau lên kế hoạch nghiên cứu thứ cấp về văn hóa trên các khía cạnh: 

  • Khái niệm văn hóa
  • Các yếu tố cấu thành văn hóa
  • Đặc điểm của văn hóa
  • Khái niệm về dân tộc
  • Các yếu tố tạo hình của văn hóa dân tộc 
  • Vì sao cần có hiểu biết về văn hóa 
  • Tìm hiểu văn hóa của một dân tộc mà các bạn ấn tượng nhất

Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA - Maya School

Giai đoạn nghiên cứu này kéo dài 3 tuần, trong đó nhóm dự án dành thời gian tìm kiếm, tổng hợp thông tin từ Internet tại phòng học ICT của Maya, rồi viết thành báo cáo cá nhân dựa vào những kiến thức mà mình thu thập được. Ngoài việc cung cấp những hiểu biết nền tảng để các bạn có cơ sở áp dụng trong dự án của mình, giai đoạn này cũng đóng vai trò khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác trong mỗi thành viên dự án. 

Giai đoạn nghiên cứu sơ cấp được coi như bước làm quen của các bạn học sinh với khái niệm văn hóa và dân tộc. Để đi sâu hơn vào thực tế đời sống của các dân tộc anh em tại Việt Nam, nhóm thống nhất tổ chức một chuyến đi thực địa để trực tiếp quan sát và khai thác thông tin từ nhân chứng thực tế. Trong các thành viên của dự án, có một số bạn hiện đang sinh sống tại địa bàn Thạch Thất, nhờ sự am hiểu về các địa điểm du lịch, khám phá tại địa phương, các bạn đã chủ động đề xuất tổ chức chuyến đi tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trước chuyến thực địa, nhóm đã có sự chuẩn bị đầy đủ: 

  • Nghiên cứu sơ đồ Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để tìm hiểu về những làng dân tộc có tại đây
  • Lựa chọn 1 – 2 dân tộc mà các bạn ấn tượng và dự định chọn làm chủ đề sáng tác 
  • Xác định rõ mục tiêu thực địa bao gồm: kiểm chứng thông tin từ bước nghiên cứu thứ cấp, hiểu hơn về văn hóa dân tộc Việt Nam từ chính người dân bản địa, tìm hiểu các yếu tố tạo hình như màu sắc, hoa văn, biểu tượng,…
  • Xây dựng bảng hỏi để phỏng vấn người dân bản địa 
  • Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, quay chụp

Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA - Maya School

Img 4779 Img 4968

Img 7599

Cuối tháng 10/2023, nhóm dự án thực hiện chuyến thực địa tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, ghé thăm gian nhà của các dân tộc như Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, H Mông, Jrai, Mường, Khơ Me. Đặc biệt, tại mỗi nhà, từng bạn học sinh có cơ hội trò chuyện và  phỏng vấn các cô, các bác người dân tộc bản địa về nét văn hóa đặc trưng, các tạo hình phổ biến, ý nghĩa đằng sau nó. 

Trở về từ chuyến thực địa, mỗi bạn tiến hành viết báo cáo thu thập thông tin và cảm hứng sáng tác từ yếu tố tạo hình của dân tộc mà các bạn ấn tượng nhất; từ đó là cơ sở để chuyển sang bước tiếp theo: Lập kế hoạch dự án. 

Lập kế hoạch dự án 

Công việc xác định hướng đi và chuẩn bị nền tảng kiến thức ban đầu là rất quan trọng, tuy nhiên mới chỉ là bước đầu tiên. Để bắt đầu hiện thực hóa những ý tưởng đang ấp ủ đòi hỏi một kế hoạch hoạt động chung với các giai đoạn, hoạt động và mốc thời gian dự kiến. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp và thảo luận giữa tất cả thành viên trong dự án. 

Học sinh Maya School lập kế hoạch dự án

Trong số 11 học sinh tại Xưởng LEA, có 4 bạn lớp 6 chưa từng được học về kỹ năng lập kế hoạch. Để mọi người đều có thể tham gia đóng góp để xây dựng Timeline, các anh chị lớn hơn đã chủ động phân công hướng dẫn, giúp các em nhỏ hơn hiểu về cách thức và từng bước hoàn thiện một Timeline. Nhờ đó, cả lớp có thể tham gia thảo luận và có định hướng rõ ràng hơn cho những việc cần làm. 

Thực hiện

Sau chuyến thực địa lần thứ nhất, mỗi bạn đã đều xác định được yếu tố văn hóa mà mình yêu thích và ấn tượng nhất; tiến hành nghiên cứu những đường nét, hình khối, hoa văn, màu sắc, niềm tin văn hóa, lễ hội, tập tục liên quan đến tạo hình ấy; để rồi chọn một chủ đề cụ thể cho sáng tác của mình. Có bạn bị thu hút bởi hình tượng con vật khắc trang trí trên cột nhà và cây nêu của người JRai, có bạn thích thú với hình ảnh nhện đực – nhện cái trên cặp gối của người Tày, hay có bạn lại yêu thích bộ tượng ba chú cá chép trong căn bếp của dân tộc Mường. 

HĐ 5 Làm Phác Thảo Tượng Lần 1 Vẽ Trên Giấy

Phác thảo và thực địa lần 2

Từ cảm hứng ấy, mỗi bạn đã lựa chọn cho mình chủ đề tác phẩm và tiến hành các bước sáng tác đầu tiên: 

  • Vẽ phác thảo tượng trên giấy
  • Tính kích thước tượng
  • Tính phương án thi công tượng bằng chất liệu gỗ 

Tuy nhiên, khác với những dự án học tập thực tế từ trước đến nay tại xưởng LEA, năm nay, học sinh được trải nghiệm một lĩnh vực hoàn toàn mới: Điêu khắc. Không chỉ có độ phức tạp cao, điêu khắc còn đòi hỏi những kỹ thuật rất khác so với hội họa. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến đóng góp từ chuyên gia trong ngành là vô cùng cần thiết để nhóm dự án được định hướng, góp ý ngay từ đầu. Tại thời điểm đó, các bạn được giới thiệu và kết nối với Nghệ sĩ Điêu khắc Trần An và xin đặt lịch tham quan, phỏng vấn tại triển lãm của nghệ sĩ. Các bạn xác định mục đích của lần thực địa thứ 2 bao gồm: 

  • Phân biệt ngôn ngữ tạo hình của tác phẩm điêu khắc và tác phẩm tranh hội họa 
  • Phân biệt sự khác nhau giữa phác thảo điêu khắc và hội họa
  • Cách thực hiện một tác phẩm điêu khắc từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành 

Từ mục tiêu ấy, các bạn đã chuẩn bị cho buổi thực địa: 

  • Tìm hiểu thông tin và sự nghiệp sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc Trần An
  • Phân công làm bảng hỏi, phỏng vấn, ghi âm,… 
  • Mang theo bản phác thảo vẽ tay về tác phẩm của mình để tham khảo ý kiến của nghệ sĩ 

Tại triển lãm “Kế hoạch của mùa hạ” của nghệ sĩ Trần An tại Tây Hồ, Hà Nội; nhóm được trực tiếp chiêm ngưỡng và lắng nghe chia sẻ về các tác phẩm của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các bạn cũng được ngồi lại trực tiếp với chú Trần An để thảo luận và lắng nghe góp ý về bản phác thảo của mình. Với những thông tin quý giá thu được từ người có chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, các bạn đã tìm ra phương án thi công tinh gọn và phù hợp với năng lực của mình nhất. 

Học sinh Maya School đi thực địa cho dự án học tập thực tế năm học 2023 - 2024

HĐ 6 Thực địa Lần 2 Xem Triển Lãm điêu Khắc Và Gặp Gỡ Chuyên Gia (1)

Đặc biệt, sự nhiệt tình và tâm huyết với dự án của nhóm học sinh đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho chú Trần An. Sau buổi thực địa, chú đích thân gửi lại bản nhận xét viết tay dài 5 trang giấy chia sẻ lại nhật trình buổi thực địa và những quan sát dưới góc độ chuyên môn khi tương tác với nhóm. Chú An cũng chia sẻ mong muốn được đồng hành hỗ trợ các bạn cho đến cuối dự án. 

Bên cạnh đó, trong dự án có một bạn học sinh rất yêu thích tạo hình nhện đực – nhện cái của người Tày ở bản Dền – Sapa. Trong khi đó, khi thăm nhà người dân tộc Tày tại Làng Văn hóa các Dân tộc, bạn lại không thể tìm thấy hoa văn này. Vì thế, dữ liệu thu thập còn ít và mang tính một chiều. Để có thêm thông tin nghiên cứu, cô giáo tại xưởng đã hỗ trợ bạn học sinh kết nối phỏng vấn Online với bà Hoàng Thị Tới và bà Lù Thị Chực tại thôn bản Dền, xã Bản Hồ, Sapa. Qua cuộc trò chuyện, những người dân bản địa giản dị, chân chất đã nhiệt tình chỉ cho bạn học sinh cách làm hoa văn gối cưới, ý nghĩa, màu sắc và nguồn gốc hoa văn. Buổi phỏng vấn đã cung cấp cho học sinh thêm nhiều thông tin bổ ích và khơi dậy cảm hứng sáng tác cho bạn. 

Z4954791470741 Babe3834b71ccc3c012cb6bd240cc88d

Những buổi thực địa và phỏng vấn đã cho nhóm học sinh nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, điêu khắc nói chung và cho dự án học tập thực tế năm nay của xưởng LEA nói riêng. Vận dụng những điều đã học được, các bạn đã có sự điều chỉnh bản vẽ và bắt đầu làm phác thảo mô hình tượng. 

Học sinh Maya School làm mô hình sáng tác tượng - Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA Học sinh Maya School làm mô hình tượng - Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA
Học sinh Maya School làm mô hình tượng - Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA Học sinh Maya School làm mô hình tượng - Dự án học tập thực tế tại Xưởng Mỹ thuật LEA

Do lần đầu tiên làm quen với những thao tác kỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc, các bạn học sinh ban đầu khá lúng túng và tốn nhiều thời gian trong việc sử dụng công cụ, dựng tượng, chọn chất liệu tạo hình. Tuy nhiên, đồng hành cùng các bạn luôn có các cô giáo tại Xưởng LEA – những người định hướng và cùng các bạn thử nghiệm, và các thầy cô tại Xưởng Mộc – hướng dẫn và cung cấp cho dự án máy móc thi công sản phẩm. Ngay cả đến khi đã quen kỹ thuật, các đầu việc như miết đất, đắp đất, đánh giấy ráp,… vẫn đòi hỏi nhiều thể lực và sự bền bỉ. Những đôi tay hàng tuần cần mẫn làm việc tại xưởng, khi mỏi thì nghỉ, rồi lại tiếp tục chau chuốt cho tác phẩm tâm huyết của mình. 

Img 4534

Ngày 27/11/2023, nhóm học sinh đã có buổi gặp gỡ lần thứ 2 với nghệ sĩ Trần An tại Maya để tháo gỡ những khó khăn khi phác thảo mô hình tượng nhỏ. 11 học sinh đã trưng bày tác phẩm còn sơ khai của mình và thảo luận cùng chú các phương án thi công, chọn chất liệu cho sản phẩm kích thước thật. Lắng nghe những chia sẻ và nỗ lực của nhóm để vượt qua khó khăn, chú An rất trân trọng và ghi nhận sự tiến bộ và nỗ lực của các bạn để hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo mà mình ấp ủ. 

King0857

Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, nhóm dự án đã trưng bày mô hình các tác phẩm của mình trong khu vực triển lãm. Đại diện dự án đã tự tin giới thiệu về nội dung, mục tiêu và những kế hoạch triển khai mà nhóm ấp ủ trong giai đoạn học kỳ II của dự án.

Img 3846 Img 3616

Gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo

Đầu học kỳ II, sau khi đã hoàn thành sơ bộ mô hình của các tác phẩm tượng, nhóm dự án tổ chức buổi Giới thiệu sản phẩm & Gọi vốn trước đại diện Ban Giám Hiệu nhà trường.

Img 9776 Img 9805

Tại buổi này, các bạn đã:

  • Trưng bày các mô hình tượng lấy ý tưởng từ các tạo hình văn hoá
  • Giới thiệu tác phẩm của mỗi cá nhân, bao gồm cảm hứng, cách tạo hình, thực hiện và ý nghĩa
  • Trình bày về quá trình thực hiện, kế hoạch trong giai đoạn tới, báo giá và đề xuất xin tài trợ
  • Trả lời và phản biện các câu hỏi của các cô trong BGH về dự án của mình
Img 9704 Img 9809

Img 9816

Dựa vào các tiêu chí như tạo hình, giá trị văn hoá, và phần chia sẻ của từng bạn học sinh, các cô giáo trong Ban Giám Hiệu đã quyết định tài trợ ban đầu cho 5 tác phẩm nổi bật của dự án. Trong khi đó, các tác phẩm còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện cả về phần nội dung và tạo hình. Sau đó, nhóm sẽ tiếp tục có những buổi chia sẻ cá nhân với các cô để xác định hướng đi tiếp theo cho tác phẩm của mình.

Những bước đi tiếp theo

Vào Học kỳ II, song song với việc dựng tượng với kích thước thật dựa vào mô hình, học sinh sẽ được học kỹ thuật khắc gỗ để trang trí cho tác phẩm của mình và sáng tác thêm tác phẩm tranh lấy cảm hứng từ những phong cảnh, nếp sinh hoạt của cộng đồng dân tộc mà các bạn đã quan sát và nghiên cứu được suốt học kỳ I của dự án. Bên cạnh tác phẩm của các cá nhân, dự án cũng kỳ vọng cho ra đời được một tác phẩm chung của 11 thành viên. Tại triển lãm “Những dấu chân nhỏ” cuối năm, xưởng sẽ trưng bày cả bộ tác phẩm Điêu khắc và Hội họa. 

NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ NHỮNG BÀI HỌC

Ngoài những kỹ năng trong bộ 16 Kỹ năng của thế kỷ 21, và các kỹ năng khi vận hành dự án; việc học và thực hành nghệ thuật trong các dự án thực tế vào những năm học phổ thông giúp các bạn học sinh bồi đắp nền tảng về văn hóa, nghệ thuật từ sớm. Ngay cả với những bạn trẻ không xác định đi theo sự nghiệp nghệ thuật, những kiến thức này cũng giúp nâng cao hiểu biết về xã hội, con người, nuôi dưỡng lòng nhân ái và sự quan tâm đến gia đình và xã hội. Đặc biệt, nếu yêu thích công việc sáng tác nghệ thuật, vốn kiến thức vững chắc và dồi dào sẽ giúp các bạn trẻ biết khai thác niềm cảm hứng sáng tác, định hướng sáng tạo và áp dụng linh hoạt các kỹ thuật để tạo nên những tác phẩm có giá trị sau này.

Khi quan sát các bạn học sinh thực hành dự án tại Xưởng LEA, cô Thanh Hương – chủ Xưởng chia sẻ rằng dự án năm nay thu hút học sinh bởi các bạn được tìm hiểu, sáng tạo và thử nghiệm một ngành nghệ thuật hoàn toàn mới tại LEA trước đây – ngành Điêu khắc. Thậm chí, khi thống nhất chủ đề dự án, có bạn đã hào hứng chia sẻ với cô giáo rằng: “Đây là dự án mà con đã chờ đợi rất lâu rồi”. 

Img 6848

Cái mới có thể ẩn chứa nhiều điều mới mẻ và thú vị, nhưng cũng mang đến không ít những khó khăn như lượng kiến thức lớn, cộng với đặc thù của ngành với các thao tác thi công phức tạp và đòi hỏi thể lực bền bỉ. Ví dụ, việc miết đất liên tục, đắp đất sao cho vuông vắn hay đánh giấy ráp để chà nhám đều rất dễ mỏi tay và tốn nhiều thời gian. Mặc dù một số hoạt động có sự hỗ trợ từ máy móc mà thầy cô cung cấp, đây cũng là một thử thách không nhỏ đối với các bạn chỉ mới từ 12 đến 15 tuổi. 

Tuy nhiên, mặc cho rào cản về kiến thức mới và những vất vả của quá trình nghiên cứu, thi công, các bạn học sinh vẫn duy trì được hứng thú trong công việc mà mình đang làm, kể cả có phải thử đi thử lại nhiều lần để thu được sản phẩm như mong muốn. Ý thức được rằng, bản thân là người làm chủ dự án của mình, các thành viên đều rất chủ động và có ý thức trách nhiệm cao với công việc. 

Img 9376

Không dựa dẫm vào thầy cô, khi vấn đề xảy ra, các bạn được rèn thói quen tự suy nghĩ về phương án giải quyết. Ví dụ, khi dựng phác thảo tượng, ban đầu, học sinh được tự do dựng theo cách hiểu của mình nhưng tượng liên tục bị đổ hoặc không thể đứng vững. Nhóm đã cùng nhau thảo luận để tìm hiểu điều gì dẫn đến vấn đề này và rút ra kinh nghiệm rằng mỗi bức tượng đều mang theo mình khối lượng lớn, nếu không có cốt là khung sắt bên trong sẽ không thể đứng được. Từ việc tự thử nghiệm, làm sai rồi rút ra bài học, các bạn dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn và rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề. Đó cũng là phương pháp mà các cô giáo trong xưởng áp dụng: cho các bạn cơ hội được học một cách chủ động, khi có hướng đi rồi mới hỗ trợ bằng cách cung cấp kiến thức chứ không đưa ra chỉ dẫn cụ thể từ đầu. 

Img 9377 Img 9353

Mặt khác, dự án cũng hoạt động trên tinh thần tôn trọng nét riêng của mỗi cá nhân. Thay vì can thiệp và tác động vào tác phẩm của học sinh, các thầy cô sẽ đồng hành và nỗ lực bảo vệ tinh thần và tư tưởng ban đầu của mỗi bạn. Để rồi khi tác phẩm thành hình, đó sẽ thực sự là sản phẩm của cá nhân, mang những nét độc đáo và thể hiện tinh thần của chính cá nhân ấy. 

Khi được hỏi về những cảm xúc khi đồng hành cùng các bạn học sinh trong dự án năm nay, cô Thanh Hương chia sẻ: 

“Dẫn dắt các bạn thực hiện quá trình làm dự án này, bản thân thầy cô đã “nín thở” qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng có những khó khăn, thử thách mà cô trò cùng nỗ lực vượt qua để đạt được mục tiêu và tiến độ dự án. Như khi nhìn thấy học sinh của mình ốm sốt, phải nghỉ học buổi sáng mà buổi chiều vẫn xin đến xưởng học, hay các con nhận được tình cảm yêu mến và sự giúp đỡ tận tâm, tận tình của chú chuyên gia, hoặc dư âm của chuyến công tác kết nối giúp học sinh được phỏng vấn Online với người dân tộc Tày ở bản Dền Sapa tìm hiểu hoa văn trên đôi gối cưới… Là giáo viên hướng dẫn trực tiếp dự án thực tế cùng các con, mình thấy rất tự hào, có trách nhiệm và cũng mang theo nhiều trăn trở làm sao để dự án đạt được kết quả tốt, giúp các con học thêm được nhiều kiến thức kỹ năng đặc biệt là những kiến thức thực tế trước khi trưởng thành”. 

—–

Maya chúc dự án của các bạn sẽ thành công tốt đẹp. Thông tin tiếp theo về hoạt động của dự án sẽ được Maya cập nhật trong bài viết này. Mời cha mẹ cùng theo dõi.