Dự Án Học Tập Chế tạo máy hút bọ nhảy của học sinh THCS Maya

Chế Tạo Máy Hút Bọ Nhảy Bán Tự Động – Một Dự Án Học Tập Thực Tế Của Học Sinh THCS Maya ở Xưởng Mộc và Tự Động Hóa Mira

08.11.2022 8:21:00
Năm nay Mục tiêu chung của các Dự Án Học Tập Thực Tế của học sinh Làng Maya là: Thúc Đẩy Nhận Thức Xã Hội Về Văn Hóa Địa Phương & Hỗ Trợ Phát Triển Văn Hóa Địa Phương – vì Maya đã về vùng núi Thạch Thất được gần 4 năm, và đã tới lúc học sinh Maya cần nghĩ về việc mình có thể làm gì cho cộng đồng.

Đầu kỳ học, thầy trò học sinh THCS Maya ở Xưởng Tự động hóa Mira đã ngồi lại với nhau để xem với năng lực của Xưởng mình thì đâu là điều hữu ích cho cộng đồng mà các con có thể làm: Khả năng, sự hiểu biết của các con về Tự động hóa chưa đủ để các con giúp đỡ được ngành Thủ công ở vùng (ngành mà vốn đang sử dụng khá nhiều máy móc phức tạp hoặc to), còn ngành Dịch vụ ở vùng thì chưa sử dụng nhiều tới máy móc => Phân tích hồi lâu, thầy trò Mira quyết định rằng sẽ tìm hiểu công việc nghề nông của các bác nông dân quanh vùng, xem liệu học sinh THCS Maya ở Xưởng Tự động hóa Mira có thể hỗ trợ điều gì không.

Như Dự Án Học Tập Thực Tế trong các kỳ học khác, Dự án kỳ này được các con thực hiện với 5 giai đoạn:

Quy trình thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế của học sinh THCS Maya

GIAI ĐOẠN 1: NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG ĐỂ XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU DỰ ÁN

Nghiên cứu sơ cấp lần 1: Quan sát và Phỏng vấn

Ở giai đoạn này, Mira đã quan sát công việc nghề nông trong vùng, và nhận ra trên các cánh đồng quanh Trường Maya, các bác nông dân đã bỏ vụ đông không trồng.

Khi Mira phỏng vấn, các bác nông dân đã chia sẻ về nhiều lý do: đất đai, văn hóa, thói quen lao động v.v… Trong số các lý do được các bác nông dân chia sẻ, thầy trò học sinh THCS Maya ở Xưởng Tự động hóa Mira đặc biệt lưu ý tới lý do: Rau cải vụ đông thường bị bỏ nhảy phá, mà bọ nhảy thì khá khó để bắt bằng tay. Nếu muốn diệt bọ nhảy, các bác nông dân sẽ phải sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu – điều mà các bác không muốn, vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người trồng, và của người dùng (bao gồm cả gia đình của các bác).

Học sinh THCS Maya đi phỏng vấn trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Vì thế, nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế này đã quyết định thực hiện tiếp một nghiên cứu khác

Nghiên cứu thứ cấp – Nghiên cứu tại bàn: tìm hiểu thông tin (từ mạng internet) về các giải pháp đối phó với bọ nhảy đang được sử dụng hiện tại.

Đây là các thông tin mà Nhóm thực hiện dự án Mira đã thu thập được:

– Hiện nay có 3 phương pháp phổ biến mà các bác nông dân đang dùng để diệt bọ nhảy phá rau cải: (1) thuốc trừ sâu; (2) bẫy đèn hoặc bẫy dính bọ nhảy; (3) máy hút bọ nhảy cầm tay;

– Phương án 1 – Thuốc trừ sâu: ảnh hưởng tới sức khỏe của người trồng rau và người sử dụng rau (điều mà các bác nông dân trồng rau “không chuyên” ở quanh Trường Maya e ngại – vì phần lớn rau các bác trồng sẽ được dùng cho gia đình, và bán cho bà con làng xóm);

– Phương án 2a – Bắt bọ nhảy bằng bẫy đèn vào buổi tối (thu hút bọ nhảy bằng ánh đèn với 1 chậu nước bên dưới – để bọ nhảy có thể rơi xuống chậu nước): giải pháp này chưa thật hiệu quả, và phải ròng dây điện ra cánh đồng – không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương quanh Trường Maya, mà phù hợp với các vườn rau nhỏ trồng cạnh nhà hơn;

– Phương án 2b – Bẫy dính: chi phí cao;

– Phương án 3 – Máy hút bọ nhảy cầm tay: là một sáng chế mới, chưa được sử dụng rộng rãi. Khi sử dụng thì đôi khi có thể bỏ sót mảng (hiệu suất) và mất khá nhiều công (khá mệt vì các bác nông dân sẽ cần cầm máy trên tay liên tục và vừa di chyển vừa dùng tay rà đầu máy hút qua từng luống rau).

Vậy một giải pháp như nào sẽ có thể được các bác nông dân chấp thuận, và giúp tạo 1 phần động lực thúc đẩy các bác nông dân trồng lại rau vụ đông quanh trường?

Sau khi thảo luận, nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế này đã quyết định đi theo hướng: Tìm giải pháp tự động hóa để nâng cấp máy hút bọ nhảy cầm tay thành máy hút bọ nhảy bán tự động với đầu hút có thể tự động rà ngang mặt luống rau khi người nông dân di chuyển máy dọc lối đi giữa các luống.

Học sinh THCS Maya thảo luận trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Nhóm cũng thống nhất một số yêu cầu đối với sản phẩm sẽ thiết kế:

+ Dễ sử dụng, không tốn nhiều sức người;

+ Có thể tận dụng công cụ có sẵn của các bác nông dân quanh trường (để tiết kiệm chi phí);

+ Hiệu suất tốt.

Để có thể làm rõ hơn các yêu cầu đối với sản phẩm mục tiêu của dự án, nhóm đã tiếp tục thực hiện

Nghiên cứu sơ cấp lần 2 – Phỏng vấn:

nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế đã hẹn gặp chuyên gia nông nghiệp ở Lá Mây Farm – thầy Doanh để phỏng vấn và trao đổi các nội dung chính sau:

a. Phỏng vấn thầy về vòng đời của rau cải và ngày tuổi mà rau cải thường bị bọ nhảy phá hoại mạnh

Học sinh THCS Maya đi phỏng vấn trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

b. Đo đạc kích thước các luống rau sẽ trồng thử nghiệm – để thiết kế phần khung máy

c. Đồng thời, nhóm thực hiện dự án cũng nhân cơ hội gặp gỡ này để đặt hàng Lá Mây Farm trồng một mảnh nhỏ rau cải sinh thái – để chạy thử máy.

Học sinh THCS Maya đi khảo sát trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Quá trình này đã giúp nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế này nhận ra một số yêu cầu quan trọng đối với sản phẩm:

– Chiều cao rau cải trên các luống rau thực tế có thể sẽ khác nhau – vì thế máy hút bọ nhảy phải có cơ cấu nâng hạ chiều cao đầu hút.

– Các luống rau thực tế sẽ có kích thước khác nhau – vì thế máy hút bọ nhảy phải có cơ cấu di chuyển đầu hút sang ngang theo chiều rộng mặt luống, với khả năng điều chỉnh khoảng di chuyển tự động này.

Học sinh THCS Maya thảo luận để lập kế hoạch trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Kết quả của các lần nghiên cứu sơ cấp và thứ cấp đã giúp các bạn xác định được MỤC TIÊU DỰ ÁN kỳ này: CHẾ TẠO MÁY HÚT BỌ NHẢY BÁN TỰ ĐỘNG – một chiếc máy hút bọ nhảy mà có thể:

– Tận dụng động cơ từ máy cắt cỏ;

– Có hệ thống điều khiển đầu hút của máy di chuyển tự động trên mặt luống rau, với khả năng nâng hạ độ cao – để đảm bảo không một mảng rau nào bị bỏ sót;

– Có hệ thống bánh xe để bác nông dân chỉ việc đẩy máy dọc theo các luống rau (bác đỡ mỏi tay) trong khi đầu hút của máy tự động di chuyển trên mặt luống để hút bọ nhảy.

 

GIAI ĐOẠN 2: LẬP KẾ HOẠCH

a. Thiết kế

nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế đã cùng ngồi lại với nhau và phác thảo ý tưởng thiết kế Máy hút bọ nhảy bán tự động

Học sinh THCS Maya thiết kế phác thảo ý tưởng trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Bản thiết kế phác thảo ý tưởng của Học sinh THCS Maya trong Dự Án Học Tập Thực Tế chế tạo máy hút bọ nhảy

Sau đó, các bạn gặp Chuyên gia Cố vấn của Xưởng (thầy Công) để nhờ thầy vẽ lại thiết kế trên máy.

THIẾT KẾ DỰ KIẾN của máy hút bọ nhảy đã được thống nhất như sau:

Bản thiết kế máy hút bọ nhảy trong Dự Án Học Tập Thực Tế của học sinh THCS Maya

Bản thiết kế máy hút bọ nhảy trong Dự Án Học Tập Thực Tế của học sinh THCS Maya

nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế xác định học kỳ này là thời gian các em chế tạo sản phẩm mẫu, và chạy thử, bao gồm tự chạy thử và gửi máy tới các thửa ruộng thực tế nhờ các bác nông dân chạy thử. Sau đó sang kỳ sau các em mới làm Nghiên cứu định lượng về mức độ chấp thuận của các bác nông dân với sản phẩm. Và dựa trên kết quả nghiên cứu định lượng để quyết định bước sản xuất tiếp theo.

Trước khi bước vào giai đoạn chế tạo thử nghiệm, nhóm thực hiện dự án đã dành nhiều thời gian để cùng thầy hướng dẫn thảo luận kỹ về các chi tiết cấu tạo máy theo bản vẽ thiết kế

Học sinh THCS Maya thảo luận về Bản thiết kế máy hút bọ nhảy trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

 

GIAI ĐOẠN 3: SẢN XUẤT

Để thực hiện dự án, các bạn đã thảo luận và phân chia thành 2 nhóm hoạt động nhỏ hơn:

Nhóm 1: Chế tạo cơ cấu di chuyển và cơ cấu nâng hạ

Công việc đầu tiên mà nhóm học sinh thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế cần thực hiện trong giai đoạn này là chuẩn bị danh sách các thiết bị linh kiện cần có, đặt mua, tự gia công và đặt gia công, sau đó lắp ráp tại Xưởng

Học sinh THCS Maya chế tạo Máy hút bọ nhảy trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Tới thời điểm hiện tại (đầu tháng 12/2022), khi mấy luống rau cải thử nghiệm được trồng ở Lá Mây Farm đã bắt đầu vào thời kỳ bị bọ nhảy phá

Rau cải trồng thử nghiệm trong một Dự Án Học Tập Thực Tế của học sinh THCS Maya

cũng là lúc các bạn bước vào giai đoạn thử nghiệm cơ cấu di chuyển và nâng hạ, test cơ cấu chuyển động của máy trên ruộng

Học sinh THCS Maya thử nghiệm cơ cấu chuyển động của Máy hút bọ nhảy trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Học sinh THCS Maya thử nghiệm cơ cấu chuyển động của Máy hút bọ nhảy trong một Dự Án Học Tập Thực Tế

Nhóm 2: Chế tạo cơ cấu chuyển động đầu hút sang ngang

 

Các bạn vẫn đang tiếp tục thực hiện dự án này 2 buổi mỗi tuần. Và quá trình làm việc của Nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp tục được cập nhật tại đây.

Thâm mời cha mẹ theo dõi nhé ạ!

GIAI ĐOẠN 4: CHẠY THỬ TRÊN CÁNH ĐỒNG THỰC TẾ

(dự kiến thực hiện từ tháng 1/2023)

Quy trình thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế của Học sinh THCS Maya 4

GIAI ĐOẠN 5: TỔNG KẾT DỰ ÁN – LẦN 1

(dự kiến thực hiện vào tháng 2/2023)

Quy trình thực hiện Dự Án Học Tập Thực Tế của Học sinh THCS Maya 5

———————————————————-

TRƯỜNG LIÊN CẤP SONG NGỮ MAYA

Xem thêm hoạt động học tập của học sinh Maya tại: https://maya.edu.vn/blog

Chuyến tham quan thực tế ảo: https://maya.edu.vn/vrtour

Tư vấn tuyển sinh: 0971698228/ 0971588228

admissions@mayaschool.edu.vn

Làng Maya – Thôn Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội