Liệu các kỳ thi chuẩn hóa có thật sự là một tiêu chuẩn của giáo dục “tiến bộ”, giúp trẻ “chuẩn” hơn trong thế giới rộng lớn, có cơ hội thành công hơn trong thời đại toàn cầu?
Liệu còn một cách giáo dục nào đó tốt hơn (thay vì chạy theo các kỳ thi chuẩn hóa) – tốt hơn ngay cả so với giáo dục nước Mỹ hiện tại – để trẻ có “Cơ Hội Để Thành Công” trong Thế kỷ 21 này?
Maya trân trọng mời cha mẹ cùng đọc cuốn sách nhiều thông tin hữu ích này: “CƠ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG – Chuẩn bị gì cho giáo dục thế kỷ 21”
với Cô Phạm Thị Hoài Thu – Cố vấn Giao tiếp hiệu quả của Trường, trong nhóm Zalo: https://zalo.me/g/rwphen843
Và mời cha mẹ đọc lời chia sẻ của cô Phạm Thị Hoài Thu về cuốn sách này:
“CƠ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG – Chuẩn bị gì cho giáo dục thế kỷ XXI”
…Tôi thấy mình bàng hoàng và bối rối trước một sự thực hiển nhiên mà Th.S Hoàng Anh Đức nhắc tới trong phần lời giới thiệu của cuốn sách: chúng ta đã trải qua 21% của thế kỷ XXI. Tôi đã không để ý tới điều này cho tới khi dòng chữ đó hiện ra trước mắt tôi! Bởi vì mỗi ngày chúng ta vẫn nói với nhau: phải dạy cho các con các kỹ năng thế kỷ XXI, phải chuẩn bị cho các con sống trong thế kỷ XXI…. Cứ như thể thế kỷ XXI đang ở đâu xa lắm… Hóa ra, chúng ta đã đi gần hết ¼ rồi. Vậy, đến khi nào các con sẽ có những kỹ năng này?! Có bao giờ là quá muộn?!
Thế là tôi muốn đọc ngấu nghiến cuốn sách này, thật nhanh để khám phá những “cơ hội thành công” trong công việc của mình và đối với tụi trẻ.
Nhưng, đến khi khi tôi đã đọc xong, tôi biết mình cần phải đọc lại, đọc chậm và đọc sâu hơn nữa. Đồng thời tôi tự nói với mình: Phải rủ các thầy cô và cha mẹ cùng đọc với mình!
Trước một câu chuyện “rất Mỹ” ấy, tôi thấy có mình, có đồng nghiệp và bạn bè của mình, có cả phụ huynh của mình, thấy những “bạn trẻ” đã từng gắn bó với tôi, và thấy cả những môi trường làm việc mà tôi đã và đang cống hiến! Những tưởng mọi thứ thật xa xôi, hóa ra “gần ngay trước mắt”. Mà tệ hơn, là nếu không được chỉ ra thì chưa chắc mình đã nhận thức đủ và/hoặc nhận thức đúng!
Cuốn sách có 3 phần Phỏng vấn thế hệ Millennials. Tôi rất thích thú với những câu chuyện này, không phải vì tôi cũng thuộc thế hệ Millennials mà bởi vì mỗi câu chuyện đó lại cho thấy những điều rất khác về sự thành công và thất bại của con người và thôi thúc tôi nhìn nhận lại giáo dục nói …!
Trong hành trình suy ngẫm ấy, tôi được Tony và Ted đưa đi “thăm quan ngành giáo dục của nước Mỹ” qua những câu chuyện về lịch sử của giáo dục -thứ mà hai ông gọi là “lịch sử hỗn loạn của giáo dục” (Chương 1), những trăn trở về mục đích của giáo dục (Chương 2), những lầm tưởng về giáo dục Mỹ và nguy cơ của điều đó với các mặt của kinh tế và xã hội (Chương 3). Những trang sách này mở mang cho tôi về những vấn đề mình đang gặp phải – hệ thống giáo dục của chúng ta đang gặp phải và nhìn rõ nguyên nhân và hậu quả của những vấn đề đó.
Cuộc chạy đua bằng cấp trong các cấp học đã dẫn tới những đặc tính của nền giáo dục phổ thông (Chương 4) nhằm đáp ứng nhu cầu đó, và ngay cả trường đại học (Chương 5) cũng chỉ là một nhà máy sản xuất bằng cấp với giá cắt cổ. Cá nhân mình rất thích phần viết của Tony và Ted về từng môn học trụ cột của giáo dục phổ thông và đưa ra “Mô hình thành công của thế kỷ XX” và “Mô hình thành công của thế kỷ XXI”. Danh sách được gợi ý có thể không phải là danh sách hoàn thiện, nhưng khi nhìn vào đó từng người giáo viên đều có thể thấy mình đang ở đâu, mình đang làm gì. Quay trở lại với câu hỏi “Khi nào các con học sinh sẽ có những kỹ năng này (kỹ năng thành công ở thế kỷ XXI)” thì câu trả lời có thể là: “Khi nào giáo viên bắt đầu tạo điều kiện để các con trải nghiệm và thực hành những kỹ năng đó trong trường học”.
Suốt từ những năm 2009-2010, khi công việc của tôi liên quan nhiều tới việc tuyển dụng giáo viên mới, tôi có một câu hỏi đau đáu mà không thể trả lời thấu đáo: Trường đại học đã dạy gì cho sinh viên sư phạm vậy? Tại sao các em không thể trả lời được ngay cả những câu hỏi căn bản về học sinh, mục tiêu giảng dạy, hoặc đơn giản hơn nữa là em mong sẽ đạt được điều gì khi làm nghề này. Những dòng viết ở Chương 5 phần nào trả lời cho tôi câu hỏi đó. Và bất chợt tôi nhớ lại chính mình, đúng là chính tôi cũng sẽ không thể tự trả lời câu hỏi như thế ngày tôi là sinh viên năm cuối đi phỏng vấn vào làm trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh cho trẻ em ở Hà Nội.
Liệu những người ở thế hệ Y như tôi, có những ai cùng chung tình cảnh và cảm nhận này: Sau khi ra trường vẫn không tự tin để làm chuyên ngành mà mình đã được đào tạo! Thậm chí có những người còn không thể đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Vậy, chúng ta cần thay đổi từ đâu: Giảng dạy – học tập – hay đánh giá? (Chương 6) Giáo viên có thể làm gì trong lớp học của mình để giúp học sinh phát triển những kỹ năng thiết yếu? Và trên hết, chúng ta có cần một tầm nhìn mới cho giáo dục? (Chương 7). Ở phần này bạn có thể tìm thấy rất nhiều những thuật ngữ quen thuộc như: Phương pháp thảo luận Socrates, Lớp học đảo ngược, Học từ bạn bè (Peer instruction), Những kỹ năng thế kỷ XXI (4Cs), Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, Cộng tác, Tự định hướng việc học tập, Tư duy học thuật,… và những khuyến nghị đối với những đối tượng khác nhau về việc mỗi người, mỗi cấp độ, từ cá nhân tới toàn bộ hệ thống giáo dục, chính sách giáo dục,… có thể làm gì để tạo ra sự thay đổi trong trường học cũng như trong việc cải thiện tương lai của trẻ. Những dòng viết ở chương 6 và 7 thực sự truyền cảm hứng vì đã “điểm danh” cho chúng ta rất nhiều “những thế giới của đổi mới sáng tạo và giáo dục”, khiến mỗi chúng ta nhìn rõ hơn tốc độ chóng mặt của những thay đổi trong giáo dục và những hiệu quả mà nó mang tới. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục bước đi với tốc độ của mình, liệu chúng ta sẽ ở đâu trong dòng chảy đó???
Và điều đó cũng có nghĩa là “đã đến lúc cần tái định nghĩa trường học của chúng ta” và bạn, giáo viên, “hãy thực hiện bổn phận của bạn”!
Tôi trân trọng và thương mến giới thiệu cuốn sách “CƠ HỘI ĐỂ THÀNH CÔNG – Chuẩn bị gì cho giáo dục thế kỷ XXI” tới bạn và mong bạn sẽ có những suy tư, trải nghiệm sâu sắc cùng cuốn sách. Và trên hết, bạn sẽ có đủ động lực, dũng khí và hành động mạnh mẽ để THAY ĐỔI NGAY TỪ BÂY GIỜ!”
…
Hoài Thu Pt
20.12.2021