WORKSHOP LÀM QUẠT GIẤY & Biểu diễn TRÍCH ĐOẠN CHÈO SỬ DỤNG QUẠT – Hết chỗ
???? Thứ 3, ngày 2/7/2019 tại Làng Maya
???????? Làm quạt cùng Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn, làng quạt Chàng Sơn.
???? Biểu diễn chèo bởi NSUT Bá Dũng cùng nhóm nghệ sỹ Nhà hát chèo, dưới sự chỉ đạo của NSND Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam.
????????♂️ Giám tuyển triển lãm Tranh quạt: Hoạ sỹ Lê Thiết Cương
Workshop Quạt giấy – Chèo là một trong chuỗi workshop được TRÍCH TỪ CHƯƠNG TRÌNH VĂN HỌC của TRƯỜNG TIỂU HỌC MONTESSORI MAYA. Maya hi vọng với các hoạt động này, trẻ có thể hiểu, cảm nhận và rung động trước nét đẹp của nghệ thuật Việt. Maya cũng rất mong phụ huynh tham gia cùng con để gia đình có thể cùng nhau chia sẻ và gìn giữ những kỷ niệm đẹp này!
Đôi lời về Quạt và Chèo
Chắc không ít người lớn trong chúng ta từng nghĩ, Chèo là một loại hình dành cho thế hệ ông bà, không hiện đại, không hấp dẫn. Nhưng, với những nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm để đưa Nghệ thuật chèo vào chương trình văn học trong trường, Maya có thể khẳng định rằng: Chèo không chỉ là nghệ thuật dân gian đâu, đó là nghệ thuật bác học đấy!
Tại sao?
Vì Chèo là một khối tổng thể hòa quyện giữa âm nhạc, lời hát, chuyển động (múa)…, đều là ngôn ngữ biểu hiện, có tính ước lệ, khái quát cao. Mà Biểu hiện – Ước lệ – Khái quát chính là ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại!
Chỉ một cú xòe tay mở quạt, ở Trần Phương trong Xúy Vân, ta thấy sự xảo trá, tà đạo.
Chỉ một làn điệu trong cảnh Lưu Bình vinh quy về không thấy bóng người, ngâm một điệu Sổng: “Nàng bỏ đi đâu/Lạnh ngắt phòng loan/Trông lên bức gấm, nhớ tới tay ngà”, mà người nghe như thấy trước mắt hoa lá tơi bời, đá phai ngọc nát.
Hay âm nhạc như ở khúc “Vỡ nước”, bồng bềnh lúc lên lúc xuống như những đợt sóng bi hùng bất tận.
Hay là trống, trống cái, trống con, trống sai rồi đến thanh la, não bạt, đang phiêu bỗng lắng xuống, rồi những tiếng cả nhị, hồ trung, hồ đại… nổi lên, đẩy âm thanh đầy ứa không gian.
Hay cái quạt, là đạo cụ tuỳ thân trong chèo, tức là một vật trung gian để qua diễn xuất ước lệ của nhân vật mà trở thành vật thể khác. Trong tay người diễn viên chèo, cái quạt khi thì là phong thư, lúc lại là quyển sách, có khi là cây bút, có lúc lại là mái chèo, vô cùng linh hoạt.
Maya nhận ra, dưới cái nhìn của những người tiếp xúc thường xuyên với văn hóa phương tây như chúng ta thì có sự phân chia rõ ràng giữa “Nghệ thuật bác học” và “Nghệ thuật bình dân”; nhưng chúng ta đã chưa thấy một điều: Việt Nam có một ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn hai thứ đó. Sang trọng, uyên bác nhưng cũng dân dã đời thường. Đó là Chèo, môn nghệ thuật Diễn – Xướng độc đáo của văn hóa dân tộc. Và hoàn toàn thuần Việt!
Với những suy tư đó, Maya đã chọn một biểu tượng của nghệ thuật chèo là cái Quạt, và mời nhà hát chèo Việt Nam, với những tên tuổi lớn như NSND Thanh Ngoan, NSUT Bá Dũng; cùng họa sỹ Lê Thiết Cương – một nghệ sỹ lớn trong giới hội họa; và nghệ nhân làm quạt Nguyễn Thị Tuấn ở làng quạt Chàng Sơn; cùng quy tụ về một sân khấu rất nhỏ thôi, ở Làng Maya.
Và workshop Quạt và Chèo làng Maya ra đời, như những gì bạn đang đọc.
—
⏰ CHƯƠNG TRÌNH WORKSHOP
7.00 Học sinh lên school bus tại 11 điểm đón trong thành phố
8.00-9.00 Ăn sáng và làm quen
9.00-10.00 Làm quạt với sự hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn
10.00-11.00 Trang trí quạt tại Xưởng Thủ công Mỡ
11.00-11.30 Cắm trại trong rừng tre 11.30-12.15 Ăn trưa
12.15-13.30 Nghỉ trưa trong rừng tre (bằng võng, lều) hoặc trong phòng ngủ
13.30-14.30 Triển lãm quạt, với hoạ sỹ Lê Thiết Cương làm giám tuyển
14.30-15.30 Xem các trích đoạn chèo sử dụng quạt, biểu diễn bởi các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam
15.30 Lên xe về thành phố.
—
????Hotline tư vấn workshop: 0961.79.8228
????Hotline tư vấn tiểu học: 0961.69.8228
Thông tin TIỂU HỌC MONTESSORI MAYA xin xem tại: https://maya.edu.vn/tieu-hoc/
????Fanpage: https://www.facebook.com/maya.elementary/
????Email: elementary@maya.edu.vn
????Địa chỉ: Thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội (cách BigC Thăng Long 40 phút đi xe buýt của trường)
Đôi nét về các nghệ sĩ tham gia chương trình:
Về NSND Thanh Ngoan.
NSND Thanh Ngoan là một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo Hiện chị đang là Giám đốc nhà hát Chèo Việt Nam.
Thanh Ngoan là người đầu tiên đưa ca trù vào chèo với vai chủ quán Hồng Châu trong vở “Hồ Xuân Hương”. Bằng sự lao động nghiêm túc, chị đã gặt hái được nhiều thành công. Thanh Ngoan còn là gương mặt nổi tiếng tại nhiều nước trên thế giới.
Một số thành tích của chị:
1981: HCV Giọng hát chèo hay
1988: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc
1990: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc
1991: Diễn viên xuất sắc của sân khấu chèo Hà Nội.
1992: HCV Giọng hát chèo toàn quốc.
1993: HCV với Các trích đoạn chèo tuồng hay.
1994: Được Tạp chí Sân khấu bình chọn là Ngôi sao sân khấu.
1995: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
2000: Giải thưởng Sao đỏ của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam
2016: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác…
Đây là bức tranh vẽ trên quạt giấy của họa sỹ Lê Thiết Cương.
Maya mời anh làm giám tuyển cho triển lãm Quạt của các bạn nhỏ. Lê Thiết Cương là một tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật đương đại Việt Nam. Hầu như tháng nào anh cũng trình làng một dự án nghệ thuật mới.
Xin trích đăng một bài viết nhỏ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về anh:
“Lê Thiết Cương là một gã ma quái! Đó là cái cảm giác đầu tiên của tôi khi đứng trước những bức tranh của chàng hoạ sĩ còn rất trẻ tuổi này. Sự ma quái ấy thể hiện ngay trong cái nhìn hoàn toàn khác người.
Một cá tính rất mạnh, đến nỗi xoá tên tác giả đi, chỉ nhìn qua đường cọ, người ta cũng đã nhận ngay ra Cương rồi. Điều này chỉ có ở những hoạ sĩ giàu bản lĩnh và thực sự có tài. Cương định hình nhưng rất đa dạng và không đơn điệu. Mỗi bức vẽ một kiểu. Hầu như bức tranh nào của anh cũng làm ta kinh ngạc. Kinh ngạc bởi tại sao anh lại “nhìn” được ra như thế? Nói đúng hơn, tại sao anh “nghĩ” được thế?
Tranh Cương là thứ tranh chấm phá, có khi chỉ một nét, hoặc vài ba nét. Nó vừa mộc mạc, thật thà, lại vừa thần bí, có tranh như những quẻ dịch xếp đặt một cách tuỳ hứng. Nếu nhìn thoáng qua, nó hồn nhiên và trong vắt như tranh của trẻ con ở lứa tuổi mẫu giáo. Nhưng nếu nhắm mắt lại mà “ngắm” và ngắm kỹ, ta lại thấy nó là sản phẩm của một lão già lịch lãm, sâu sắc và từng trải. Và vì thế, nó rất quái chiêu.
Nhưng thực ra, đó cũng lại là một ảo tưởng nữa của tôi và của những người thưởng thức nghệ thuật. Cương luôn biến chúng ta những thành những kẻ ảo tưởng. Bởi thế tôi mới bảo Cương là một gã ma quái…”
Bác Nguyễn Thị Tuấn là một nghệ nhận quạt lành nghề ở Chàng Sơn, một làng nghề truyền thống nổi tiếng với những chiếc quạt tay thủ công tinh xảo, với phong cảnh đặc trưng cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói, cổng làng cùng vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng.
Những nguyên liệu làm nên một chiếc quạt thủ công ở Chàng Sơn cơ bản đều gồm có: tre, giấy hoặc vải, hồ và đinh suốt. Đầu tiên, để có được một chiếc quạt ưng ý, người nghệ nhân Chàng Sơn phải bỏ công chọn từng ống tre, đạt 3 chuẩn: dẻo, già, không mối mọt để làm nan quạt. Các ống tre này sẽ được chặt theo một tỷ lệ hợp lý và được đem ngâm kỹ trong nước từ 4 đến 5 tháng
Tiếp theo, các khúc tre được chẻ nhỏ, vót thành nan trơn hay được chạm khắc cầu kỳ theo những yêu cầu của các đơn đặt hàng. Sau đó, các nghệ nhân Chàng Sơn sẽ suốt đinh những thanh tre vót mỏng và đều nhau thành hình vòng cung. Bao bọc các nan tre cẩn thận bằng tấm giấy dó hoặc vải đã được cắt sẵn và sử dụng hồ kết dính thật chắc chắn. Theo lời các nghệ nhân Chàng Sơn, khi vào giấy hay vải cho nan quạt phải khéo léo, tỷ mỷ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc gia công, trang trí.
Sau đó, các nghệ nhân Chàng Sơn sẽ trang trí quạt bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như đối với tranh giấy, họ sẽ vẽ tranh lên quạt, viết chữ thư pháp, gim những lỗ li ti trên quạt thành những hình hoa văn thú vị,… Còn đối với quạt vải thì các nghệ nhân Chàng Sơn thường thêu lên quạt hoặc ép những hình thêu vào giữa 2 lớp vải, thỉnh thoảng họ cũng vẽ lên quạt vải những bức hoạ ước lệ như ở quạt giấy.
Và cuối cùng là công đoạn phơi quạt, có hộ bắt sào phơi, có hộ xếp giá, hộ lại phơi sân, hộ xếp dọc ngõ làng khiến cho cả Chàng Sơn mỗi độ trưa nắng bừng lên những sắc màu rực rỡ.
Chiếc quạt ở Chàng Sơn là sản phẩm tinh tế của tư duy những người nghệ nhân nơi đây, không chỉ thuần túy với tính năng quạt mát mà với người Việt nó chứa cả những giá trị tinh thần sâu sắc.
(Đoạn viết về Chàng Sơn là lời của bài báo không rõ tác giả trên internet. Xin cảm ơn tác giả.)