Chương Trình Giáo Dục Thực Tế
Trường Maya nằm trong Làng Maya, với hệ thống 7 Xưởng thực hành, đại diện cho 3 nhóm ngành:
+ Ngành Nông nghiệp: Lá Mây Farm & Xưởng Chế biến thảo mộc Lá Mây
+ Ngành Thủ công & Công nghiệp: Xưởng Mộc Mira; Xưởng Tự động hóa Mira; Xưởng Gốm Mỡ; Xưởng May, thêu, đan Mỡ; Maya Kitchen
+ Ngành Dịch vụ: Xưởng Mỹ thuật LEA
Đây là nơi các em học sinh Maya tham gia thực hiện các Dự Án Thực Tế, từ Lớp 1 tới Lớp 12 – dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia.
Trong các năm Tiểu học và THCS, các em tham gia các Dự án kéo dài 1 học kỳ, và tự do lựa chọn để thay đổi Dự án vào đầu mỗi kỳ.
Từ giai đoạn THPT, các em thực hiện Dự án kéo dài cả năm học.
GIAI ĐOẠN TIỂU HỌC Là giai đoạn các em vô cùng tò mò, ham học hỏi, có thể học và phát triển tư duy tốt thông qua trải nghiệm.
Vì thế, ở giai đoạn này, các em học sinh Maya được hướng dẫn thực hiện các Dự Án Thực Tế theo quy trình Experiential Learning Cycle (ELC) – Học Thông Qua Trải Nghiệm, với 4 bước:
1. Trải nghiệm (Experience)
2. Thảo luận (Reflec)
3. Rút ra bài học (Conceptualize)
4. Áp dụng (Apply)
GIAI ĐOẠN TRUNG HỌC CƠ SỞ là giai đoạn các em nỗ lực tìm kiếm giá trị của bản thân – để trở nên tự tin nội tại và bắt đầu định hướng tương lai của mình.
Nên ở giai đoạn này, các em học sinh Maya được hướng dẫn để suy nghĩ về các “vấn đề” của cộng đồng địa phương, của xã hội, và nền kinh tế… Các em bắt đầu suy nghĩ về Phát Triển Bền Vững, và suy nghĩ về việc với sở thích và sở trường của mình, thì mình có thể tham gia để giúp ích cho mục tiêu Phát Triển Bền Vững nào.
Cơ hội để Thành công và Hạnh phúc trong đời sống thực tế khi trưởng thành của các em sẽ được quyết định nhiều bởi việc các em có thể chọn đúng Công Việc giá trị để làm
Nên quy trình thực hiện Dự Án Cộng Đồng của học sinh THCS Maya bao gồm 5 bước:
0. Tuyển quân
Ở bước này, các Chuyên gia và Người điều phối dự án ở 7 Xưởng thực hành sẽ lần lượt chia sẻ với các em về các “vấn đề” mà xã hội hay nền kinh tế đang gặp phải, và mời gọi các em tham gia để giải quyết nó.
Các em được dành thời gian để suy nghĩ về việc các em thật sự yêu thích để tham gia giải quyết “vấn đề” nào – trước khi ra quyết định đăng ký.
Điều này để đảm bảo rằng các em sẽ bắt đầu làm việc với tình yêu công việc, và có cơ hội để tự tìm hiểu và bộc lộ chính mình.
1. Nghiên cứu thị trường & Xác định mục tiêu Dự Án
Ở bước này, thầy cô hướng dẫn để các em thảo luận với nhau và nêu ra những cách mà các em nghĩ rằng có thể giải quyết “vấn đề”.
Sau đó, các em được học một học phần Nghiên cứu thị trường (với giảng viên thỉnh giảng từ trường Đại học), để bắt đầu thực hiện các quan sát, khảo sát, nghiên cứu… khác nhau, nhằm tìm ra đâu là giải pháp khả thi nhất.
Giải pháp khả thi mà cả nhóm cùng đồng ý sẽ được quyết định là Mục Tiêu của Dự án cộng đồng mà các em sẽ bắt đầu lập kế hoạch để thực hiện.
2. Lập Kế hoạch
Ở giai đoạn này, các em học cách để lập kế hoạch sử dụng tối ưu các nguồn lực có giới hạn (thời gian, công sức và tiền bạc) – để đạt được Mục tiêu của Dự án.
+ Kế hoạch ngân sách: Với các Dự án kinh tế, các em cần tính toán và thuyết trình hợp lý để xin tạm ứng từ Nhà trường, hoặc thuyết phục khách hàng ứng trước. Với các Dự án cộng đồng, các em tính toán và thuyết trình để kêu gọi một nhà đầu tư nào đó đầu tư không hoàn lại cho dự án.
+ Kế hoạch thời gian: Các em được hướng dẫn để lập kế hoạch thực hiện dự án, trên giấy và trên máy tính, với nhiều công cụ khác nhau, như timeline, biểu đồ Gantt…
+ Kế hoạch nhân lực: Các em cũng được hướng dẫn để tính toán xem các em sẽ “thuê” bao nhiêu em Tiểu học để “làm công” cho Dự án của mình, và sẽ thuyết trình trong buổi “tuyển dụng nhân sự” như nào để tuyển được những thành viên phù hợp.
3. Thực hiện và Giám sát
Trong giai đoạn này, các em tự mình thực hiện một số giai đoạn quan trọng hoặc khó,
Hướng dẫn và quản lý học sinh Tiểu học để thực hiện một số giai đoạn khác.
Các em cũng chấm công cho các thành viên,
Viết lách, marketing cho sản phẩm/ dịch vụ của Dự án.
Các em liên tục thảo luận, cộng tác, thực hiện các chuyến go out để học hỏi hay tìm kiến sự hỗ trợ v.v…
Và các em đặt ra những mục tiêu nhỏ cho từng giai đoạn để liên tục điều chỉnh kế hoạch dự án một cách phù hợp.
Dự án được hoàn thành khi Sản phẩm/ Dịch vụ của Dự án được hình thành, và các em có thể Cung Ứng sản phẩm Dự án tới đối tượng hay nhóm đối tượng mà các em đã xác định ở Bước Xác định mục tiêu.
4. Đánh giá Dự án
Cuối cùng, các em cùng ngồi lại với nhau để:
+ Đánh giá hiệu quả kinh tế của Dự án: Doanh thu từ dự án có đủ chi trả cho tất cả các chi phí không (chi phí nguyên vật liệu, nhân công, chi phí thuê mặt bằng Xưởng…)? Có lãi cho các thành viên? Phân chia lợi nhuận như thế nào? Khoản tiền sẽ để lại cho hoạt động từ thiện của Nhà trường?
+ Đánh giá sự phát triển của chính bản thân mình qua quá trình thực hiện Dự án: Có kinh nghiệm, bài học nào được rút ra? Ở Dự án tiếp theo em sẽ làm như thế nào?
MỤC TIÊU KỸ NĂNG
Bên cạnh mục tiêu chính là giúp các em nhận ra và tin tưởng vào giá trị của bản thân,
Các Dự Án Thực Tế góp phần quan trọng để các em học sinh Maya xây dựng và củng cố vững chắc 16 Kỹ năng Thế kỷ 21, bao gồm các Học vấn nền tảng, Năng lực và Phẩm chất – mà Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã nghiên cứu và chỉ ra rằng vô cùng cần thiết để các em thành công trong thế giới việc làm khi các em trưởng thành
(Mời cha mẹ xem thêm tại: link)